Vinh danh 9 thành viên tiêu biểu thị trường trái phiếu Chính phủ. |
Các tiêu chí để đánh giá gồm mức độ tham gia trên thị trường sơ cấp, thứ cấp, tuân thủ nghĩa vụ thành viên, tham gia vào các chương trình phát triển thị trường. Cụ thể, 9 thành viên được vinh danh gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.
Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPCP năm 2017 đã có nhiều chuyển biến về kỳ hạn, lãi suất phát hành và cơ cấu nhà đầu tư. Theo đó, tổng khối lượng phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp đạt 396.204 tỷ đồng, tương đương 7,91% GDP năm 2017. 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt mức kỷ lục là 12,74 năm. Lãi suất phát hành TPCP bình quân đạt 5,98%, thấp nhất từ trước đến nay. Cơ cấu nhà đầu tư có sự cải thiện theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM, tăng tỷ lệ của các nhà đầu tư dài hạn. Tại thời điểm cuối năm 2017, các NHTM nắm giữ khoảng 52,4% giảm 3% so với năm 2016; tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn (Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ đầu tư) là 47,6% tăng 3% so với năm 2016. Năm 2018, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định để phát triển thị trường trái phiếu và các Thông tư hướng dẫn Nghị định về các mảng nghiệp vụ phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ chính quyền địa phương; phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Về các giải pháp điều hành thị trường, Vụ Tài chính Ngân hàng cho biết, việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần tăng cường hơn nữa; tiếp tục phát hành TPCP kỳ hạn dài 20, 30 năm và trái phiếu long-short coupon; bên cạnh đó lãi suất cần được điều hành theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với diễn biến của thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ.Với chức năng tổ chức, vận hành thị trường, năm 2018, HNX đặt ra các chương trình hành động hướng đến 2 mục tiêu chính: tiếp tục phát triển thị trường TPCP và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đối với công tác đấu thầu, HNX sẽ tiếp tục thực hiện huy động vốn cho các tổ chức phát hành an toàn, hiệu quả. Trên thị trường thứ cấp, HNX sẽ thực hiện triển khai Thông tư 10/2014/TT-BTC, với việc đưa vào vận hành bộ sản phẩm Repos mới bao gồm các sản phẩm Vay TPCP (Stock borrowing and lending - SBL), vay TPCP để bán và Bán/Mua lại (Sell-buyback - SBB). Đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, HNX sẽ thực hiện theo tiến độ phê duyệt của Bộ Tài chính, theo đó sẽ triển khai công tác xây dựng Cổng thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nghiên cứu xây dựng hệ thống và hạ tầng CNTT, hệ thống quy định pháp lý và Quy chế nội bộ của Sở để triển khai thị trường trái phiếu doanh nghiệp.