Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Giải pháp nào cho vấn đề “khát nước” sinh hoạt tại vùng nông thôn?

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Nhiều vùng nông thôn thuộc các xã Đồng Ích; Xuân Lôi và Tiên Lữ trên địa bàn huyện Lập Thạch thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, do nguồn nước ngầm cạn kiệt, khan hiếm. Giải pháp nào để cư dân các vùng “đất khát” này bớt khổ là điều khiến dư luận hết sức quan tâm.

Quản lý tốt nguồn nước ngầm…

Theo phản ảnh của người dân, từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều khu dân cư thuộc địa bàn các xã Đồng Ích, Xuân Lôi, Tiên Lữ chung tình cảnh “khát nước”. Hàng nghìn hộ gia đình với hàng chục nghìn nhân khẩu đang phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác chở xe chuyển về bán với giá đắt đỏ từ 200.000đ đến 250.000đ/khối (so với mức giá cung cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Vĩnh Phúc chỉ khoảng 6.000đ/khối; và giá nước sinh hoạt cung cấp cho đô thị khoảng 8.500đ/khối).

Cư dân một số vùng nông thôn tại huyện Lập Thạch đang phải mua nước sinh hoạt với giá rất đắt đỏ 
Cư dân một số vùng nông thôn tại huyện Lập Thạch đang phải mua nước sinh hoạt với giá rất đắt đỏ 

Trước những khó khăn do thiếu nước sinh hoạt mà cư dân các vùng “đất khát” đang đối mặt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã hỏa tốc yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án cấp nước hoàn chỉnh dự án, đầu tư xây dựng nâng cấp công suất cấp nước, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định, giải quyết nhu cầu cấp thiết của cư dân về sử dụng nước sạch.  

Căn cứ từ thực tế, nhiều ý kiến từ các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều cho rằng, mấu chốt để giải quyết vấn đề khó khăn nước sinh hoạt nông thôn, thì phải quản lý tốt được nguồn nước ngầm, đồng thời thay đổi được nhận thức của cư dân về vấn đề khai thác sử dụng nước sạch.

Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề trên, ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy nước Tam Dương cho rằng, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt tại một số vùng nông thôn thuộc một số huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có liên quan đến việc sụt lún tầng địa chất, và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nếu nguồn nước ngầm không được quản lý tốt, sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt.
Nếu nguồn nước ngầm không được quản lý tốt, sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều vùng nông thôn của Vĩnh Phúc, người dân trước kia chủ yếu sử dụng giếng đào (giếng khơi) để lấy nước sinh hoạt. Sau này để tiện lợi hơn, và phục vụ nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn, người ta đua nhau dùng máy móc khoan giếng, có nhà khoan sâu hàng trăm mét (so với giếng khơi chỉ chừng 10m trở lại) để lấy nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, hoặc phục vụ sản xuất kinh doanh.  

“Những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm. Ví dụ như nước thải từ các trang trại chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh xả tùy tiện ra sông hồ ngấm xuống lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, khiến nước giếng khơi trước kia được dùng làm nước sinh hoạt thì nay đã ô nhiễm, bốc mùi hôi không sử dụng được.

Điều đó dẫn đến hệ thống giếng khơi (giếng đào) không còn sử dụng được nữa bị lấp bỏ bằng cách đổ rác thải xuống, càng khiến ô nhiễm nguồn nước. Người ta quay sang dùng giếng khoan, với suy nghĩ rằng càng khoan sâu càng lấy được nhiều, và chất lượng nước càng sạch, hậu quả là tầng địa chất bị sụt lún, tụt nước, khô cạn không thể nào khai thác được nước sinh hoạt nữa.” – ông Kiều Văn Thắng nói.

Giải quyết tận gốc vấn đề

Để giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước sinh hoạt của cư dân nông thôn trên địa bàn, lãnh đạo Nhà máy nước Tam Dương cho rằng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn được vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

“Nếu chất thải từ trang trại chăn nuôi, hoặc xác động vật chết (nhất là những khi dịch bệnh) được người dân tùy tiện đẩy ra môi trường ao hồ, sông suối thay vì chôn lấp, xử lý theo đúng quy định, thì dẫu cho có giải pháp nào đi nữa cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.” – ông Kiều Văn Thắng nói.

Ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy nước Tam Dương: "Mấu chốt để giải quyết vấn đề khó khăn nước sinh hoạt nông thôn, thì phải quản lý tốt được nguồn nước ngầm, đồng thời thay đổi được nhận thức của cư dân về vấn đề khai thác sử dụng nước sạch."
Ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy nước Tam Dương: "Mấu chốt để giải quyết vấn đề khó khăn nước sinh hoạt nông thôn, thì phải quản lý tốt được nguồn nước ngầm, đồng thời thay đổi được nhận thức của cư dân về vấn đề khai thác sử dụng nước sạch."

Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng Nghị quyết 19/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Các nhà máy cung cấp nước sạch đô thị, nước sạch công nghiệp được triển khai xây dựng trên các địa bàn tỉnh, đều có trách nhiệm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho cư dân vùng nông thôn nếu họ có nhu cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng nước sạch cũng không đơn giản – cư dân các vùng nông thôn ở nhiều nơi trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc đã quen sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan, nay chuyển sang đăng ký sử dụng nước sạch (mất phí dù đã được hỗ trợ giá) thì đa phần họ từ chối.

Thậm chí, đối với doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp tự khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất kinh doanh, thay vì phải đăng ký sử dụng nước sạch cấp cho khu công nghiệp theo quy định.

Công nhân Nhà máy nước Tam Dương kiểm tra mẫu nước trước khi cung cấp đến các đơn vị sử dụng.
Công nhân Nhà máy nước Tam Dương kiểm tra mẫu nước trước khi cung cấp đến các đơn vị sử dụng.

Việc các doanh nghiệp đầu tư dự án cung cấp nước (nhiều khi phải vay mượn kinh phí), mà khách hàng không sử dụng, để tình trạng người dân, doanh nghiệp tùy tiện khai thác nước ngầm, tùy ý sử dụng là lãng phí nguồn lực của xã hội rất lớn.

Từ thực tế cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, ông Kiều Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy nước Tam Dương cho biết, thời gian gần đây mỗi khi có mưa lớn thì tầm 6 đến 8h sau cơn mưa, lượng nước thô mà nhà máy bơm lên để tiến hành các công đoạn sản xuất nước sạch có màu xanh hoặc vàng, do ô nhiễm. Điều này dẫn đến nhà máy phải mất thêm nhiều chi phí vật tư, cũng như thời gian mới có thể sản xuất nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn quy định.  

Do đó, lãnh đạo Nhà máy nước Tam Dương cho rằng cần phải tuyên truyền, hoặc có biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn để người dân và các doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trong khai thác sử dụng nguồn nước ngầm.