Khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus corona (coronavirus) là một họ virus lớn, thường gây cảm lạnh và các bệnh nghiêm trọng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Loại virus lạ gây nên nhiều trường hợp tử vong tại Trung Quốc là một chủng coronavirus mới, chưa từng được tìm thấy ở người trước đây (được WHO đặt tên là 2019-nCoV).
Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) - Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam thông tin thêm, đến ngày 23/1/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh/thành phồ gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam. Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (04 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp), Đài Loan (01), Hoa Kỳ (01), Ma Cao (01), Hồng Kông (01).
WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người.
Các triệu chứng
Theo Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, những biểu hiện lâm sàng của việc nhiễm trùng loại virus lạ này bao gồm: Sốt; Mệt mỏi; Các triệu chứng hô hấp, ho khan, khó thở, hội chứng suy hô hấp cấp; Sốc nhiễm trùng; Thậm chí là nhiễm toan chuyển hóa và rối loạn đông máu.
Một số bệnh nhân có triệu chứng khởi phát nhẹ mà không sốt. Hầu hết bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn có sức khỏe tốt, chỉ một số ít bệnh nhân bị nặng và thậm chí tử vong.
Khởi phát và lây lan
Với 2019-nCoV, các thông tin liên quan tới nay cho biết hầu hết những người trong nhóm bệnh nhân đầu tiên nhập viện đều là người làm việc hoặc khách hàng tại khu chợ đầu mối hải sản tại Vũ Hán.
Chợ này bán nhiều mặt hàng như các loại thịt đã qua chế biến, động vật sống giết thịt như gia cầm, lừa, cừu, lợn, lạc đà, cáo, lửng (họ chồn), dúi, nhím và các loài bò sát.
Tuy nhiên, vì chưa có thông tin nào ghi nhận đã phát hiện những loài thủy hải sản nhiễm virus corona nên có vẻ như giả thuyết hợp lý là chủng virus mới này nhiều khả năng đã phát sinh từ những loài vật khác được bán tại chợ đầu mối hải sản Vũ Hán.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu phân tích và so sánh trình tự sắp xếp chuỗi gen của chủng virus 2019-nCoV và các chủng corona đã biết khác. Nghiên cứu này nhận thấy mã gen của 2019-nCoV cho thấy chủng virus corona mới này có mối liên hệ gần gũi nhất với 2 mẫu coronavirus giống virus gây dịch SARS có ở loài dơi.
Tuy nhiên khi các nhà nghiên cứu tiến hành thêm các phân tích chi tiết hơn về chuỗi gen của 2019-nCoV, họ thấy chủng virus corona mới có thể phát sinh từ các loài rắn chứ không phải dơi.
Trên thực tế, trong tự nhiên, rắn thường săn dơi. Các thông tin liên quan dịch bệnh viêm phổi cấp cũng cho biết tại chợ đầu mối hải sản Vũ Hán thường bán rắn. Điều này củng cố thêm giả thuyết chủng virus corona mới 2019-nCoV rất có thể đã lây nhiễm thông qua các loài vật chủ từ dơi sang rắn rồi sau đó lây sang con người và làm bùng phát dịch.
Dẫu vậy cách thức để chủng virus này có thể thích ứng với cả loài vật chủ máu lạnh lẫn loài máu nóng như thế nào thì vẫn là một bí mật.
Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Điều trị
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể đối với các bệnh do coronavirus mới gây ra. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng có thể được kiểm soát, vì vậy bệnh nhân cần được điều trị theo tình hình lâm sàng.
Khuyến cáo
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.