Nhìn sang những kênh đầu tư khác có thể thấy rõ điều này. Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng của giá vàng khoảng 11,8%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của giá tiêu dùng (2,35%), của bất động sản (3,33%), của lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn năm (3,5%); trong khi tỷ giá VND/USD giảm 0,8%... Như vậy, trong 16 năm ra đời đến nay, VN-Index đã có 1 năm tăng điểm cao gấp hơn 2 lần số năm giảm điểm mạnh nhất (năm 2011: VN-Index giảm còn 359 điểm). Và nếu năm 2016 duy trì được mức điểm trên, hoặc chỉ cần có số điểm cao hơn 579 điểm của cuối năm 2015, thì đây sẽ là năm thứ 5 TTCK Việt Nam liên tục tăng lên.
Dự báo là năm thứ 5 liên tiếp xuất phát từ nhiều căn cứ. Căn cứ thứ nhất xuất phát từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Điểm số VN-Index những ngày qua so với cuối năm 2015 tăng gần 14,2% (tương đương với khoảng 2 năm gửi tiết kiệm kỳ hạn năm). Số DN niêm yết/giao dịch trên sàn TP Hồ Chí Minh (HoSE), Hà Nội (HNX), UpCOM đạt trên 1.000; số tài khoản đạt trên 1 triệu; tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đạt khoảng 36% (nếu kể cả vốn hóa thị trường trái phiếu thì đạt 60%). Trong 5 năm qua, TTCK Việt Nam đã huy động trên 1,2 triệu tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Quy mô vốn ngoại trên TTCK đạt khoảng 15 tỷ USD - cao hơn nhiều so với các năm trước (năm 2005 là 3,2 tỷ USD, năm 2011 là 6,5 tỷ USD, năm 2015 là 14,7 tỷ USD)... Căn cứ thứ hai là các giải pháp của Nhà nước đối với TTCK. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo: “Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách rất eo hẹp, thì nguồn vốn từ thị trường, cụ thể từ các hệ thống ngân hàng thương mại và TTCK trở nên rất quan trọng. TTCK phải bật lên, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, song song với kênh dẫn vốn ngắn hạn là hệ thống ngân hàng…”. Để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, giảm áp lực vốn ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động dài hạn như hiện nay, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện. Cụ thể như giảm thời gian thanh toán, quy định nới room, cổ phần hóa, thúc đẩy niêm yết và giao dịch trên TTCK... Căn cứ thứ ba là nhu cầu vốn để phục vụ mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,5% - vừa thấp hơn cùng kỳ năm trước, vừa thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm. Để thực hiện mục tiêu này, 6 tháng cuối năm phải tăng 7,6% - một tốc độ tăng rất cao. Trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP 6 tháng đầu năm đạt 32,9%, tuy cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn nhiều so với thời kỳ 2001 - 2010 (trên 39%). Tỷ trọng vốn tự có của các DN mới đạt 30%, đa số vẫn phải vay ngân hàng, nhưng phần lớn là ngắn hạn. TTCK được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế. Phải chăng đây là tín hiệu để tăng trưởng kinh tế cao lên trong thời gian tới?
Nhập thông tin đấu giá vào hệ thống tại sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh |