Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index vượt đỉnh 1.170 điểm: Cơ hội nhiều nhưng cần thận trọng

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán phiên 21/3 đánh dấu mốc lịch sử khi VN-Index vượt đỉnh 1.170 điểm cách đây 11 năm.

Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc sự hưng phấn dễ được đẩy lên cao, nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán xuất hiện nhưng mỗi nhà đầu tư phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình.

Chinh phục đỉnh

Thời điểm 9 giờ 30 sáng 21/3, lực cầu dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá. VN-Index vượt đỉnh lịch sử đã lập vào năm 2007 (1.170,67 điểm). Đi xuống vào cuối phiên sáng nhưng chỉ số này lại nhanh chóng phục hồi vào những phút đầu phiên chiều, khi tăng vượt 1.172 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán khá mạnh tại vùng đỉnh lịch sử đã khiến thị trường mau chóng "hạ nhiệt". Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,97 điểm (0,86%) lên 1.169,36 điểm; trong khi HNX-Index và Upcom-Index đều giảm điểm. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 8.700 tỷ đồng. VIC, GAS, BVH, HPG, BID, MSN, ROS, PNJ… là những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường. Trong đó, ROS tăng trần về cuối phiên và cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp.
 Khách hàng giao dịch trực tuyến tại một sàn chứng khoán ở  Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cách đây một năm khó ai có thể tin rằng VN-Index sớm có thể chinh phục được đỉnh cao của hơn 10 năm trước, nhưng điều đó đã trở thành hiện thực. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua.
Một nguyên nhân cơ bản có được kết quả này là nhờ chính sách Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực mà để các thành phần kinh tế chủ động. "Năm 2018 dự kiến sẽ là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo" - ông Hưng nhận định.

Thực sự đầu tư thay vì "chơi" chứng khoán
Với những tín hiệu tích cực này của TTCK, các chuyên gia cho rằng, các DN có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn, mở rộng quy mô phát triển. Đây cũng là cơ hội cho các DN Nhà nước bán bớt tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa DN lên tầng cao mới giống như VNM, REE, GMD, NSC... đã tận dụng được cơ hội trong quá khứ.

"Đây là năm có nhiều cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia TTCK nhưng cần có chiến lược rõ ràng để quản lý rủi ro, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham." - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng

Cơ hội là vậy, tuy nhiên người đứng đầu SSI cũng cảnh báo, cần lưu ý tránh đi vào vết xe đổ của một số DN đình đám một thời huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ. Theo ông Hưng, đây là lúc lòng tham dễ dàng được đẩy lên cao, nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán xuất hiện. Nhưng nhà đầu tư cần lưu ý thị trường chứng khoán vốn rất khắc nghiệt, mỗi người phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình. Kinh nghiệm những năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chỉ ra rằng, người thành công là người kiểm soát rủi ro tốt nhất chứ không phải là người kiếm được nhiều nhất khi thị trường tăng.

Đánh giá về việc các chỉ số trên TTCK Việt Nam tăng mạnh trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông Trần Thanh Tân - Tổng Giám đốc quỹ VFM - Phó chủ tịch Câu lạc bộ quản lý quỹ ở Việt Nam, thị trường tăng khá mạnh nhưng khác với đỉnh năm 2007, hầu hết nhà đầu tư đều bình tĩnh và trầm tĩnh đón nhận. “Điều này cho thấy thị trường đã bình tĩnh và trưởng thành hơn. Khái niệm “chơi” chứng khoán không còn nữa mà thực sự là đầu tư. Thị trường đã có sự phân hóa rõ rệt, bên cạnh các mã chứng khoán tăng trưởng nóng vẫn có những mã giao dịch dưới mệnh giá, do kết quả kinh doanh èo uột” - ông Tân nhận định.

Khối ngoại mua ròng trở lại

Khác với phiên trước, phiên ngày 21/3, khối ngoại trên thị trường mua ròng khá mạnh ở cả hai sàn HOSE và HNX. Khối ngoại mua vào tổng cộng 26,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.374 tỷ đồng, trong khi bán ra 24,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.143,3 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt hơn 230,7 tỷ đồng.

Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 208 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 1,5 triệu cổ phiếu. VIC và HPG dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE , trong đó, VIC dẫn đầu với giá trị mua ròng gần 164 tỷ đồng, HPG được mua ròng hơn 106,5 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại mua ròng 22,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khoảng 520.000 cổ phiếu. Khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất PVS, với 23,9 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là SHB chỉ với gần 5,9 tỷ đồng.