Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, những giá trị này đã, đang được nhiều DN quan tâm. Và thực tế những giá trị văn hóa mặc dù vô hình nhưng vô giá tạo dựng lên những tên tuổi DN lớn như Vingroup, FPT; Vinamilk...
Nếu như trước đây, ngay cả khi đã bước vào ngưỡng cửa của hội nhập, không ít DN vẫn coi việc xây dựng văn hóa riêng cho mình là sự xa xỉ, tốn kém kinh phí. Không đánh giá đúng tầm của giá trị văn hóa DN cũng có nguyên nhân từ việc môi trường làm việc có nhiều bất cập dẫn tới có cái nhìn ngắn hạn; chưa có quan niệm đúng đắn về cạnh tranh và hợp tác, làm việc chưa có tính chuyên nghiệp; còn bị ảnh hưởng bởi các khuynh hướng cực đoan của nền kinh tế bao cấp…
Tuy nhiên, quan niệm này đã có nhiều thay đổi khi văn hóa DN đã trở thành yếu tố sống còn, và khi đằng sau không ít DN thành công, có tác nhân không nhỏ từ những giá trị vô hình trong kiên trì, bền bỉ tạo dựng những bản sắc riêng cho DN.
Từ cách nhận diện thương hiệu đến đầu tư cho con người, sản phẩm mang bản sắc riêng… được xây dựng trong nhiều năm, tưởng như rời rạc nhưng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Và thực tế những năm gần đây, khái niệm văn hoá DN đã, đang được nhắc đến như một tiêu chí khi bàn về DN. Văn hoá DN chính là tài sản vô hình, vô giá được nhiều DN theo đuổi, tạo dựng.
Nếu như văn hóa kỷ luật làm nên tên tuổi của Viettel, thì mô hình của FPT là tinh thần đồng đội và sự dân chủ, nếu có xung đột về tư tưởng thì luôn có văn hóa là chất keo kết dính và ổn định lại. Vingroup tự hào là sự kết tinh của những nỗ lực không mệt mỏi, của ý chí nghị lực phi thường, của sức trẻ và khát vọng tiên phong của những người con đất Việt. Trong khi đó, Vinamilk lại tìm đến những giá trị của từng sản phẩm, trách nhiệm với cộng đồng…
Nhìn rộng hơn, Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh, xây dựng văn hóa DN chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở thế kỷ 21.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa DN đối với sự phát triển của cộng đồng DN và của toàn xã hội, cùng với việc phát động Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa DN Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, nó không chỉ làm lành mạnh môi trường kinh doanh mà còn giúp nâng cao văn hóa tinh thần, tạo sự đam mê cống hiến cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động trong từng DN.
Và sự trưởng thành của mỗi DN với những sứ mệnh khác nhau là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh quốc gia. Đây không chỉ là trách nhiệm của từng DN mà là của cả cộng đồng. Là tấm gương phản chiếu rõ nét sức cạnh tranh, môi trường đầu tư của kinh tế Việt Nam vươn lên trong hội nhập.