Hết cảnh xếp hàng dài chờ đổ xăng
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong 3 – 5 ngày gần đây, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội đã cải thiện rõ rệt. Đơn cử, tối 22/11, tại cửa hàng xăng dầu 112 Trần Phú (quận Hà Đông), dù vào giờ cao điểm nhưng lượng người đến đổ xăng chỉ tương đối. Điều này trái ngược với cảnh xếp hàng dài đổ xăng tới tận đêm khuya như phóng viên từng ghi nhận cách đây chừng 10 ngày.
Còn tại cửa hàng xăng dầu PVOIL tại 350 Kim Giang (quận Thanh Xuân) trong sáng 23/11, người dân chỉ cần đợi khoảng 3 - 5 phút là tới lượt đổ xăng. Cảnh dòng người xếp hàng tràn ra lòng đường, hay cửa hàng chỉ bán giới hạn 30.000 đồng/lượt (xe máy) và 300.000 đồng/lượt (ô tô) đã không còn tái diễn.
Nhân viên cửa hàng cho hay, mất chừng 10 ngày cây xăng bị gián đoạn nguồn cung xăng, thậm chí không nhập được hàng. Song đến nay cây xăng đã được cấp ổn định nên các nhân viên có thể thỏa mái bơm xăng đầy bình theo yêu cầu của khách hàng.
Cũng theo phản ánh của một số nhân viên tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác, những ngày gần đây, tình trạng hết xăng hoặc người dân xếp hàng dài mua xăng đã giảm nhiệt. Một tín hiệu đáng mừng nữa, là nhiều cây xăng trước đây đóng cửa thì nay cũng đã mở bán trở lại. Nguồn cung xăng dầu được cung cấp liên tục, đầy đủ hơn nên đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Lý giải về nguyên nhân cây xăng hoạt động ổn định trở lại, lãnh đạo một DN bán lẻ xăng dầu cho biết, suốt 2 tuần qua, cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao, yêu cầu DN ký cam kết, kiểm tra liên tục khiến các khâu trong chuỗi cung ứng đều phải tăng cường lấy hàng, kể cả DN bán lẻ và thương nhân phân phối. Vì vậy mà hầu như DN đầu mối nào cũng cấp hàng tốt, ngay cả các thương nhân phân phối trước đây khan hàng thì bây giờ cũng cấp hàng ổn. Song, chỉ có chiết khấu hiện vẫn duy trì ở mức thấp từ 200 - 300 đồng/lít xăng nên các DN bán lẻ vẫn trong tình trạng lỗ (nếu thuê mặt bằng) và cầm hòa (nếu có mặt bằng).
Cần có hợp đồng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp
Có thể nhận thấy, giá xăng dầu trong thời gian qua diễn biến hết sức dị biệt và khó lường. Vì vậy, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã trình Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, ngày 11/11, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh chi phí tạo nguồn từ nước ngoài về Việt Nam và đây là chi phí thực tế mà DN đã trả trong 3 tháng vừa qua.
Việc điều chỉnh sớm này đã giúp giá cơ sở xăng dầu tiệm cận dần với thực tế hơn. Mặc dù mức điều chỉnh này không đáp ứng được ngay mong muốn của DN, nhưng đảm bảo những chi phí đó đã kịp thời được tính toán sau 3 tháng thay vì 6 tháng theo quy định.
Đặc biệt, theo Công điện số 1085/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong thời gian tới, để đảm bảo giá trong công thức giá cơ sở tiệm cận với giá thị trường, cơ quan chức năng sẽ rà soát chi phí hàng tháng để có thể đưa vào công thức giá cơ sở. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để có thể bù trừ trong các tháng tới những chi phí thực tế mà DN đầu mối nhập khẩu đã chi ra.
Bên cạnh đó, đối với chi phí lưu thông của DN xăng dầu, tức là mức chiết khấu mà một số DN bán lẻ cho là quá thấp và không đủ để duy trì hoạt động (dẫn tới tình trạng một số cây xăng nhỏ lẻ tạm thời đóng cửa), Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN rà soát lại kỹ hơn để điều chỉnh trong lần tới.
Đề cập về giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, bên cạnh việc tính toán chi phí sát với thực tế để DN có lãi duy trì hoạt động, kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện nên những chế tài với các DN cần được kiểm soát chặt chẽ. Bởi thời gian qua, đã bộc lộ “lỗ hổng” trong quản lý thị trường xăng dầu. Hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể là DN, đại lý, tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu với nhau không chặt chẽ về trách nhiệm đảm bảo nguồn cung và chi phí chiết khấu.
Tại cuộc họp với các DN đầu mối xăng dầu ngày 22/11, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3/tấn. Kịch bản thứ hai là tăng trưởng 15% so với năm 2022, tương đương 26,76 triệu m3/tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, từng quý và được căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.