Vốn ngoại chọn "bến đỗ" tại nhiều startup Việt

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm tới nay, dòng vốn ngoại đổ vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn ghi nhận khá tích cực. Điểm chung ở các startup gọi vốn triệu USD thành công đều là startup công nghệ.

Startup công nghệ - “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư mùa dịch
Cùng với xu hướng bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tại Việt Nam, nhiều startup công nghệ với các giải pháp sáng tạo ra đời, đã gây sự chú ý của những quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới, bất chấp dịch Covid-19. Từ đầu năm tới nay, startup công nghệ liên tục được rót vốn “khủng” từ các đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong quý III/2021, thị trường ghi nhận hàng chục startup gọi vốn thành công lên tới hàng trăm triệu USD.
Một trong những thương vụ huy động vốn lớn nhất của các startup Việt Nam vừa qua phải kể đến VNLife - một công ty khởi nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới. Công ty đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. Khoản đầu tư này được VNLife sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng các mảng kinh doanh hiện tại, và hỗ trợ phát triển nền tảng cũng như công nghệ mới, nhằm phục vụ tốt hơn đối tác bán hàng và người tiêu dùng Việt Nam.
 Kobiton - giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động của Việt Nam công bố huy động được 12 triệu USD
Đầu tháng 9 vừa qua, KiotViet – một công ty đang cung cấp bộ giải pháp phần mềm, bao gồm các công cụ quản lý điểm bán hàng, quản lý tồn kho và quản lý nhân viên cho hơn 110.000 DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đã được Công ty KKR tham gia với tư cách là nhà đầu tư chính trong Series B rót vốn trị giá 45 triệu USD.
Cũng trong tháng 9, dự án Kobiton - giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động của Việt Nam công bố huy động được 12 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ. Số tiền này bao gồm vốn rót từ quỹ Panoramic Ventures và Fulcrum Equity Partners, cùng một khoản vay từ Ngân hàng Silicon Valley
Điểm qua các startup gọi vốn thành công hàng chục triệu USD, có thể nhận thấy một điểm chung đó đều là các startup công nghệ.
Trên cương vị một nhà đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy – đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures chia sẻ, trong quá trình tìm kiếm đầu tư, các quỹ sẽ ưu tiên hơn cho statup công nghệ, bởi khả năng bùng nổ. Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, với giải pháp công nghệ hiện đại, các statup có thể đi nhanh và mạnh, linh hoạt trong mọi mọi cảnh. Có thể thấy trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các giải pháp từ công nghệ đang giải quyết được những vấn đề hiện có của xã hội. Trên thực tế, điều mà các nhà đầu tư quan tâm đó là startup đó có tạo ra được giá trị thực tế cho khách hàng không và những gì mang lại có bền vững không.
Ông Tạ Sơn Tùng – Chủ tịch RIKKEISOFT cho rằng, trong đại dịch hay khi đại dịch qua đi, sẽ là cơ hội tốt cho tất cả startup trong lĩnh vực công nghệ có thể phát triển bứt phá. Điều đó đã được chứng minh, ngay trong đại dịch vẫn có những cơ hội cho startup phát triển lớn mạnh hơn, thậm chí có thể trở thành kỳ lân công nghệ trong tương lai. Những startup nào tập trung các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho DN và cuộc sống sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được khoản đầu tư từ các quỹ trong thời gian tới.
Sức hút từ hệ sinh thái 
Bên cạnh khả năng bùng nổ của startup công nghệ, một trong những yếu tố hút các nhà đầu tư ngoại đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang dần được hoàn thiện.
Bà Hoàng Kim Dung - Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư đang tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021, và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, thế giới.
Theo bà Dung, những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được đánh giá ngày càng trở nên năng động và phát triển. Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường DN (Bộ KH&CN) cho biết, với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, từ tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Đi kèm với đó là một loạt giải pháp được xây dựng và đề xuất từ các chủ thể trong hệ sinh thái như trường đại học, cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các DN nghiên cứu, đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo; ban hành bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia; nghiên cứu các cơ chế thúc đẩy DN từ cơ sở giáo dục… Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, Chủ tịch quỹ đầu tư BestB Capital Phạm Anh Cường chỉ ra, quy mô startup công nghệ tại thị trường Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi quỹ đầu tư lớn thường tập trung đầu tư từ vòng hạt giống trở lên. Các startup Việt mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần. Do đó, startup Việt cần luôn chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoản cảnh, tập trung phát triển hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.