Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn vào ngân hàng chậm, ngân hàng tính kế hút tiền trở lại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãi suất huy động xuống thấp và kém hấp dẫn, nhiều ngân hàng cho biết việc huy động được nguồn vốn giá rẻ là vô cùng khó khăn. Ngân hàng phải tính kế hút khách gửi tiền trở lại.

Đua phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hút vốn trung, dài hạn

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 5,11 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm ngoái; tiền gửi của dân cư đạt 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm ngoái. Trong những tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng không có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng so với cùng kỳ những năm trước.

Báo cáo tài chính trong quý đầu năm nay ghi nhận có tới 10/28 ngân hàng sụt giảm tiền gửi khách hàng, trong đó có sự góp mặt của cả những "ông lớn" như Vietcombank, BIDV hay VPBank, ACB…, hoặc tăng trưởng ở mức rất thấp trên dưới 1% như VietinBank, Sacombank, LienVietPostbank...

Do lãi suất thấp và tiền gửi còn chậm trong khi nhu cầu vốn vay lại cao, vào tháng 6 vừa qua một số ngân hàng đã phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Bên cạnh điều chỉnh lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi để hút khách hàng.

 Ảnh minh hoạ

Chẳng hạn mới nhất, SHB triển khai chứng chỉ tiền gửi với kế hoạch hút về 4.000 tỷ đồng tiền gửi thông qua hình thức này. Theo đó, khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi và hưởng mức lãi suất năm đầu tiên là 7,0%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Đi kèm lãi suất cao, ngân hàng này còn cộng ưu đãi cho khách hàng là voucher sử dụng dịch vụ phòng chờ 5 sao của ngân hàng tại Sân bay Nội Bài. 

SCB đang phát hành “Chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng DN kỳ hạn 24 tháng” và “Chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn” với ưu đãi lãi suất vượt trội. VIB triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn lên tới 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ trên toàn hệ thống.

Trái phiếu cũng là kênh huy động vốn được nhiều ngân hàng lựa chọn trong thời gian này. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng công bố huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Đơn cử, ACB mới đây đã công bố chào bán thành công 2.500 trái phiếu (tương ứng 2.500 tỷ đồng) cho một tổ chức với kỳ hạn 3 năm, đáo hạn 15/7/2024. Trước đó, từ ngày 6/5/2021 đến ngày 8/7/2021, ngân hàng này đã phát hành 7 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 11.700 tỷ đồng. Ngày 16/8, ABBank đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, lãi suất cố định 3,5%/năm với kỳ hạn 2 năm, chủ yếu nhằm bổ sung vốn trung, dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Cũng trong ngày 16/8, VIB phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm. 

Trước đó, ngày 12/8, BIDV đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 8 năm với lãi suất áp dụng là lãi suất thả nổi cộng với 0,9%/năm. Một “ông lớn” khác là VietinBank đã thông báo về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 9 và đợt 10 năm 2021. Theo đó, trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị là 100 tỷ đồng…

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ ngày 1- 20/8, có tổng cộng 25 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành là 7.868 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 8 vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng, khi chiếm tới 31,8% tổng giá trị phát hành toàn thị trường, với giá trị 2.500 tỷ đồng.

Đôi bên cùng có lợi

Lãi suất huy động từ cuối năm 2020 đến nay kém hấp dẫn so với các tài sản khác đang “nổi sóng” như vàng, ngoại tệ hay chứng khoán. Hệ quả là vốn không còn chảy mạnh vào ngân hàng như trước đây. Trong khi ngân hàng cần chuẩn bị cho cuối năm nhu cầu vay vốn đang phục hồi. Ngoài ra còn do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của NHNN.

“Tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng hiện nay, khi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đa phần còn mỏng, tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ an toàn vốn luôn trong tình trạng cần gia cố. Thứ hai, từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn, hoãn trả nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của DN không về ngân hàng (đáng lẽ đến kỳ trả nợ, nhưng DN được ngân hàng giãn nợ). Điều này khiến một phần vốn của ngân hàng bị thiếu hụt và phải tăng phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi để bù đắp”- TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

TS Hiếu cho rằng, việc chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi khi cần huy động lượng vốn ổn định trong dài hạn để thực hiện kế hoạch kinh doanh là lựa chọn tốt nhất, bởi trong điều khoản chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước khi đáo hạn, trong khi huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm thì khả năng rút vốn trước hạn sẽ cao hơn.

Còn đối với khách hàng mua trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi, được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm. Bên cạnh đó, khách hàng có thể chuyển nhượng quyền sở hữu tiền gửi, dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản đảm bảo vay vốn hoặc bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng khác theo quy định của ngân hàng và của pháp luật. 

Theo lãnh đạo SHB, người có tiền nhàn rỗi dài hạn có thể mua chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu ngân hàng với lãi suất hấp dẫnso với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiện tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh cũng thừa nhận trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ. Vì vậy, ngân hàng phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường cho DN cho người dân những khoản vay ưu đãi nhất.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất hiện nay thuộc về ngân hàng Bản Việt 10,2 % cho kỳ hạn 5 năm. So với mặt bằng lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn thì đây là mức lãi suất tốt nhất (mức lãi suất tiết kiệm với kỳ hạn một năm  khoảng 5,2-5,4%). Hay như SHB lãi suất 9,1% cho kỳ hạn 6 năm; Eximbank 8,6% cho kỳ hạn 3 năm… Và cũng tùy từng ngân hàng sẽ có những chương trình huy động vốn khác nhau, phụ thuộc vào kỳ hạn và quy mô tiền gửi nhưng cũng chỉ tăng thêm 0,1-0,2% so với mức bình quân chung.