“Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã thay đổi nước Nhật mãi mãi”

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản Nancy Snow hôm 8/7 cho biết, vụ bắn cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thay đổi đất nước này mãi mãi.

Cựu Thủ tướng  Abe phát biểu tại Nara trước khi bị bắn sáng ngày 8/7. Ảnh: CNN
Cựu Thủ tướng  Abe phát biểu tại Nara trước khi bị bắn sáng ngày 8/7. Ảnh: CNN

Theo đài NHK, Tetsuya Yamagami - nghi phạm tấn công cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào sáng ngày 8/7 ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản, đã khai với cảnh sát rằng anh ta chủ ý sát hại chính trị gia này.

Theo NHK, nghi phạm Yamagami, năm nay 41 tuổi, đã từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong ba năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara. Nghi phạm này được cho là đã không có ý định bỏ chạy và đang bị giam giữ để thẩm vấn tại đồn cảnh sát Nara Nishi. Cảnh sát đã thu giữ tại hiện trường một khẩu súng tự chế.

Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản Nancy Snow cho biết, vụ bắn cựu Thủ tướng Nhật sẽ thay đổi đất nước này mãi mãi.

“Vụ việc này không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa. Người dân Nhật Bản không thể tưởng tượng có một nền văn hóa sử dụng súng như ở Mỹ. Đây là một khoảnh khắc không nói nên lời. Lúc này tôi thực sự không thể nói nên lời. Tôi cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho cựu Thủ tướng” – bà Snow nói.

Theo tờ The Guardian (Anh), Giáo sư khoa học chính trị Airo Hino tại Đại học Waseda, nói với Reuters rằng vụ xả súng tương tự chưa từng xảy ra ở Nhật Bản. “Chưa bao giờ diễn ra bất kỳ vụ việc chấn động như đã xảy ra tại Nara hôm nay,” giáo sư Hino nói.

Việc ông Shinzo Abe bị bắn gây chấn động Nhật Bản, một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm súng thấp nhất thế giới do luật kiểm soát súng cực kỳ nghiêm ngặt. Trong năm 2018, Nhật chỉ báo cáo 9 trường hợp tử vong vì súng.

Theo luật súng ống của Nhật, các loại súng duy nhất được phép bán là súng ngắn và súng hơi. Súng lục bị cấm, tuy nhiên việc sở hữu chúng đòi hỏi một quá trình lâu dài và phức tạp.

Để mua súng ở Nhật, người mua phải tham gia một lớp học cả ngày, vượt qua bài thi lý thuyết và thực hành với độ chính xác ít nhất 95%. Họ cũng phải qua đánh giá về sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, lý lịch nghiêm ngặt.

Năm 2018, ước tính chỉ có khoảng 310.400 khẩu súng được dân thường sử dụng tại quốc gia 125 triệu dân này.

Vào năm 2007, thị trưởng thành phố Nagasaki bị một tên xã hội đen yakuza bắn chết. Trước đó, năm 1960, lãnh đạo đảng Xã hội Nhật Bản đã bị ám sát bởi một thanh niên cánh hữu bằng kiếm ngắn của samurai khi đang có phát biểu.

Các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản, vốn được các nhân viên an ninh vũ trang bảo vệ, vẫn thường tiếp tục gần gũi với công chúng, đặc biệt là trong các chiến dịch vận động chính trị.

Ngày 8/7, các nhà lãnh đạo nước ngoài đã bày tỏ sự bất ngờ và đau buồn trước việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn ngày 8/7.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng vụ ám sát ông Abe là "cuộc tấn công chống lại chính ý tưởng về dân chủ".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời động viên cựu  Thủ tướng Abe "hãy mạnh mẽ lên".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước vụ tấn công và gửi lời cầu nguyện cho ông Shinzo Abe, gia đình ông và người dân Nhật Bản”.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng bà "vô cùng sốc" trước tin này.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, viết trên Twitter rằng chính phủ và người dân Malaysia đang “cầu nguyện cho ông Abe nhanh chóng hồi phục”.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm thông sâu sắc và cầu nguyện cho ông Abe sớm bình phục”.