Vụ án AIC: Bị cáo Trần Đình Thành kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn đầu thú

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trong trại giam, bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lập biên bản gửi tới tòa án, trong đó có nội dung kêu gọi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC ra đầu thú.

Ngày 13/12, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, trước việc TAND Hà Nội xét xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC, bị cáo Thành cho rằng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, việc xét xử sẽ tốt hơn nếu bị cáo Nhàn có mặt trình bày tại Tòa án.

“Tôi kêu gọi bà Nhàn về đầu thú, có giải trình với Tòa án để được khoan hồng pháp luật” – bị báo Trần Đình Thành nêu ý kiến

Vẫn theo luật sư, bị cáo Thành cho biết, việc sắp phải đứng trước vành móng ngựa là sự trả giá quá đắt cho sai sót của bản thân. Bị cáo Thành bày tỏ sự ân hận và mong Tòa án xét xử thấu đáo, toàn diện, cho cựu Bí thư Tỉnh ủy này được hưởng chính sách khoan hồng.

"Bị cáo Thành tuổi đã tuổi cao, sức khỏe kém, bệnh nền rất nhiều nên khi phiên tòa dài 20 ngày, bị cáo Thành mong được Tòa án tạo điều kiện y tế để đủ sức khỏe tham dự" - vị luật sư nói.

Những thông tin bị cáo Thành nói trên được ghi thành biên bản giữa luật sư, có sự chứng kiến của cán bộ quản giáo. Nội dung thông tin trên cũng đã được nộp cho HĐXX để cân nhắc khi xét xử.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Đình Thành trong vụ án xảy ra tại AIC
Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Đình Thành trong vụ án xảy ra tại AIC

Trong vụ án vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bị cáo Thành bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch AIC hiện đang bỏ trốn nhưng sẽ bị xét xử vắng mặt về các hành vi đưa hối lộ và gian lận đấu thầu. Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao đã ra văn bản kêu gọi nữ bị cáo này đầu thú để hưởng khoan hồng.

Theo dự kiến, ngày 21/12 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Trong vụ án này, bị cáo Nhàn bị xét xử về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, song cựu Chủ tịch AIC đang bỏ trốn.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ các chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Trong quá trình điều hành, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC thực hiện các hành vi thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.

Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh.

Bị cáo Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng ban quản lý dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đang là Chủ tịch tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Từ sự giới thiệu của bị cáo Thành, bị cáo Nhàn lần lượt gặp, quen biết và đặt vấn đề với Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ… Các bị cáo sau đó thực hiện hàng loạt ưu ái cho Công ty AIC khi triển khai các gói thầu.

Về phía Công ty AIC, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin gian dối về năng lực công ty; thông đồng với chủ đầu tư, công ty tư vấn khi xây dựng hồ sơ thầu; thiết lập “quân xanh”…

Bằng các chiêu trò này, Công ty AIC cùng một số công ty do AIC chỉ định đã liên tiếp trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại ngân sách hơn 152 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thực hiện quản lý việc thu, chi đối ngoại, Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương làm trưởng ban. Nguồn tiền do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao, sau đó đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển lại tiền cho Công ty AIC, rồi được rút, chuyển nhập quỹ của ban.

Căn cứ lời khai của các bị cáo, cáo trạng xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số tiền 43,8 tỷ đồng.