Vụ quán "Xin chào": Câu chuyện kết thúc có hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn – chủ quán cà phê “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) bị Công an huyện khởi tố hình sự vì chậm làm thủ tục đăng ký kinh doanh đã và đang là chủ điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận mấy ngày nay.

Sau khi nghe báo chí thông tin, ngày 20/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo Giám đốc công an TP.HCM, Viện trưởng VKSND TP.HCM khẩn trương làm rõ vụ chủ quán cà phê "Xin Chào" bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh. Bí thư Đinh La Thăng khẳng định nếu sai phạm thì việc trước tiên là phải xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin của nhân dân, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh của TP cho tất cả người dân, doanh nghiệp.

Ngay sau đó, sáng 21/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo để thông tin chi tiết về vụ việc chủ quán phở Xin Chào ở huyện Bình Chánh chậm đăng ký kinh doanh bị xử lý hình sự để người dân và báo chí nắm rõ. Tuy nhiên, tại buổi họp báo, các phóng viên đều chưa thỏa mãn với phần trả lời cũng như những thông tin mà phía công an TP đưa ra.
Vụ quán "Xin chào": Câu chuyện kết thúc có hậu - Ảnh 1
Tại đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP - khẳng định việc khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào - dù hơi vội vàng và cứng nhắc nhưng là có cơ sở, có căn cứ. Ông Minh cũng cho rằng đây là vụ việc "nhỏ như móng tay", báo chí không nên thông tin quá đà gây nên những suy diễn không tốt. Ông cho biết sẽ tham vấn cho Viện Kiểm sát TP để có kết thúc phù hợp, nhưng quyết định thế nào là ở VKS.

Liên quan tới vụ việc này, cũng ngay trong sáng 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan chức năng dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự chủ quán “Xin Chào” do chậm đăng ký kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở. Nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ.

Cùng với đó, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm VPCP cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng ngừng hình sự hóa vụ việc này là hợp lý. Việc xử lý hình sự đối với ông chủ quán cà phê sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu: Mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù. Do vậy, cần làm rõ động cơ của việc xử lý hình sự đối với ông chủ quán "Xin Chào". Ngoài ra, Luật Hình sự mới đã bỏ tội kinh doanh trái phép và sắp có hiệu lực. Do vậy, nếu vẫn đưa ra khởi tố thì không đúng với tinh thần của pháp luật, không tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.

Liên quan tới vụ việc này, cuối giờ sáng 21/4, thẩm phán thụ lý vụ án đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh điều tra bổ sung vụ án ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố, truy tố về tội Kinh doanh trái phép.

Theo ông Đậu Đức Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI, từ vụ quán cà phê Xin chào, doanh nghiệp có thể nhận thấy tín hiệu tích cực về môi trường kinh doanh an toàn từ Chính phủ.  Rõ ràng sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh không chỉ ở thủ tục hành chính ngắn gọn, chi phí giảm mà đó còn phải là một môi trường an toàn, nơi những người đi kinh doanh có thể yên tâm bỏ vốn mà không lo ngại. Qua vụ việc của ông chủ quán cà phê Xin chào, đặc biệt với những phản ứng quan tâm sát sao của Chính phủ, đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ. Đây là tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh trong thời gian tới".

Cũng liên quan tới vụ việc này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hồ sơ vụ án chủ quán Xin chào ở TPHCM bị khởi tố tội kinh doanh trái phép “không chắc chắn, có nhiều sai sót”, “chưa xử đã thấy tâm không phục rồi” và “nếu xử thì cái được ít hơn cái mất”. Xử lý doanh nghiệp như vậy có tạo ra môi trường thông thoáng hay không? Hơn nữa chỉ ít thời gian nữa thôi là Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực.

Cách đây không lâu, với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu toàn hệ thống VKSND các cấp phải lưu ý khi xem xét phê duyệt những tội danh sẽ được bỏ đi kể từ ngày 1/7/2016.

Vụ việc như được sáng tỏ hơn khi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đã có cuộc họp nóng với lãnh đạo VKSND Tối cao, thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND Tối cao, lãnh đạo VKSND TP Hồ Chí Minh và VKSND huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kết luận, hành vi của ông Tấn không phạm tội Kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 Bộ Luật Hình sự.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng yêu cầu Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định tại khoản 2 Điều 107, khoản 1 Điều 169 Bộ Luật Tố tụng hình sự; đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ông Lê Minh Trí cũng yêu cầu Viện trưởng VKSND TPHCM tạm đình chỉ công tác đối với Kiểm sát viên và lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án trên, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh phải tổng hợp vi phạm, thiếu sót trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong vụ việc trên để kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh có biện pháp khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật; giao Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) có thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành KSND về những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án trên.

Cuối cùng, vụ khởi tố chủ quán cà phê "Xin chào" đã đi đến hồi kết. Dư luận như được “cởi tấm lòng” khi đây là một câu chuyện kết thúc có hậu. Qua vụ việc này lại một lần nữa cho thấy chủ trương, chính sách ở cấp trên thì luôn đúng, luôn rõ nhưng tới cấp dưới thực thi thì luôn vướng, luôn có “vấn đề”. Qua đây cũng cho thấy, câu chuyện “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, các hoạt động kinh doanh hay “không quản được thì cấm” cũng đang là “bóng ma” ám ảnh các DN và người dân.