Trở lại với vướng mắc “để ở” hay “cho thuê” của loại hình nghỉ dưỡng, GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn, đã 5 năm rồi vẫn loanh quanh câu chuyện pháp luật với các BĐS đa công năng để phát triển BĐS du lịch. Sửa Luật Đất đai lại lùi tiếp, phát triển BĐS du lịch nhằm đưa kinh tế du lịch thành mũi nhọn lại phải "vừa chạy vừa xếp hàng" như vậy...
Giới chuyên gia khuyến nghị BĐS nghỉ dưỡng có thể lạc quan nhưng cần thận trọng. |
Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề trọng tâm về hoàn thiện khung pháp luật ở đây là sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS 2014 theo hướng thừa nhận và quản lý kinh doanh các BĐS đa công năng vào mục đích du lịch và sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất các BĐS đa công năng (nổi bật như condotel). Trong đó, cho phép chủ đầu tư được quyền lựa chọn mục đích sử dụng đất chính. Sử dụng đất ổn định lâu dài thì giá đất cao, còn thuê đất 50 năm, giá đất thấp hơn.
"Nếu so sánh tổng các BĐS du lịch tại Việt Nam so với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á, như Thái Lan, số lượng của Việt Nam còn quá thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam ở mức 30% trên năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Tầm nhìn dài hạn, cung về condotel ở Việt Nam chưa thể vượt cầu. Tình trạng giảm giao dịch condotel hiện nay giảm đột biến, lý do chính nằm ở những nhược điểm về chính sách, pháp luật đã đề cập" - ông Võ nhấn mạnh.
Trong khi đó, với lập luận góc độ kinh tế - tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu thận trọng hơn khi cho rằng BĐS nghỉ dưỡng chưa bao giờ dành cho số đông người ít tiền. Đây là phân khúc có rủi ro trong tình hình thế giới nhiều biến động, dù cho nửa năm qua thị trường này ở ta phát triển khá tốt.
Thực tế, theo ông Hiếu, hiện nay pháp lý còn lấn cấn về loại hình condotel định hình là BĐS để ở hay kinh doanh. Trong những ngày tôi đến ở thì nhà của tôi, nhưng thời gian còn lại đem đi kinh doanh thì không phải là nhà ở. Tức, condotel là BĐS kinh doanh. Do đó, tất cả các luật về đất, thuế cần xem đây là BĐS kinh doanh.
"Phát triển BĐS nghỉ dưỡng là cần thiết vì Việt Nam hiện nay nhiều người có nhu cầu. Đây là phân khúc họ quan tâm và đó cũng là động lực cho các nhà đầu tư. Nhưng cũng cần cẩn thận, vì nếu cung vượt cầu, đây cũng là phân khúc khởi đầu cho khủng hoảng và sẽ kéo theo cả thị trường" - vị TS này khuyến nghị.
Ở góc nhìn luật hóa, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, cuối năm 2017 đầu năm 2018 còn đang có nhiều quan điểm khác nhau, các tỉnh còn đang có nhiều quan điểm khác nhau và cách hành xử khác nhau. Ví dụ như một số khu vực phát triển rất nhanh như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang. Nhà đầu tư cũng hiểu khác nhau nên cũng có nhiều cam kết bán hàng khác nhau.
"Nhưng sau 1/1/2018 luật du lịch đã xác định condotel không phải là nhà ở và mới đây khi Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Yếu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)." - ông Khởi cho hay.
"Ở mỗi tỉnh thành, các chủ đầu tư đều tuân theo quy định, tình hình thực tế và nhận được sự tin tưởng thấu đáo từ chính quyền địa phương. Đối với những đại dự án BĐS nghỉ dưỡng, xây dựng một đại đô thị, hầu hết các DN địa ốc không chỉ tham vấn địa phương đó mà còn phải trình lên Chính phủ xem lại về vấn đề cơ cấu sử dụng đất, đất thương mại, đất ở phục vụ cho việc hình thành dự án." - Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Cấp cao Truyền thông và Hỗ trợ Cộng đồng Tập đoàn Novaland |