Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vừa dọa dẫm, vừa đề phòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều đáng chú ý nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hàn Quốc là việc ông Obama sử dụng ngôn từ của người tiền nhiệm để ám chỉ Triều Tiên và việc Mỹ trì hoãn vô thời hạn sự chuyển giao cho Hàn Quốc quyền chỉ huy liên quân Mỹ - Hàn Quốc.

Ông Obama tuyên bố Mỹ sẵn sàng sử dụng quân đội để bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc và tỏ ra không bận tâm gì nhiều đến khả năng Triều Tiên lại thử hạt nhân. Coi thường và thậm chí còn cả miệt thị Triều Tiên như thế, ông Obama vừa trấn an đồng minh chiến lược ở khu vực và vừa gián tiếp răn đe Triều Tiên. Thực chất thông điệp của ông Obama ở đây là Mỹ không còn lạ gì sách lược của Triều Tiên và không còn quan ngại gì về những chủ định chính sách tới đây của Triều Tiên cũng như Mỹ sẽ không để cho Triều Tiên đe dọa an ninh của Hàn Quốc. Thông điệp ấy rõ ràng và mạnh mẽ hơn hẳn trước đó. Nó cho thấy chiều hướng diễn biến tình hình là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên còn bế tắc chứ chưa thể sớm được giải quyết và Mỹ còn tiếp tục leo thang căng thẳng và đối đầu với Triều Tiên chứ chưa sẵn sàng nhượng bộ.

Cũng vì thế mà Mỹ và Hàn Quốc tăng cường đề phòng trường hợp xung khắc vũ trang với Triều Tiên, tạo ra hiệu ứng răn đe Triều Tiên không chỉ từ những tuyên bố chính trị mà còn cả từ chuẩn bị tiềm lực đối phó trên thực tế. Tất cả những định hướng chính sách và mô thức ứng xử ấy cho thấy Mỹ hiện vẫn chưa định hình xong đối sách đối với Triều Tiên sau khi có sự thay đổi lãnh đạo ở nước này và cả Hàn Quốc cũng vậy. Ông Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thắt chặt mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống và phối hợp hành động khi phải đối phó với Triều Tiên chứ chưa có được ý tưởng cho giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và bình thường hoá quan hệ giữa hai miền trên bán đảo. Chuyến đi này của ông Obama vì thế chẳng phải chỉ có thành công.