Nghề mây tre đan ở Hà Nội, ban đầu, chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng những năm gần đây đã xuất khẩu ra nước ngoài và được nhiều bạn hàng quốc tế ưa chuộng. Thời điểm đỉnh cao từ năm 2002 đến 2008, nghề mây tre đan đã cho ra đời hàng trăm tỷ phú ở Hà Nội. Nhiều làng, có đến 90% người dân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mây tre đan. Đây sống của người dân cũng theo đó được nâng lên, mây tre đan trở thành nghề mũi nhọn của nhiều địa phương.
Phú Vinh (Chương Mỹ) là một trong những làng nghề mây tre đan lâu đời nhất ở Hà Nội với lịch sử gần 400 năm. Năm 2002, Phú Vinh chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Ngày nay, Phú Vinh có gần 400 hộ làm nghề với hàng nghìn lao động. Nhiều hộ đã mạnh dạn lập công ty, doanh nghiệp hay tổ hợp gia đình để làm giàu và phát triển mặt hàng truyền thống này. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới và chen chân được vào cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc.
Tương tự tại huyện Phú Xuyên cũng có nhiều xã tham gia sản xuất mây tre đan, trong đó, xã Phú Túc là một trong những xã đi đầu với hàng trăm hộ gia đình xây dựng cơ nghiệp hàng tỷ đồng nhờ nghề này, kể cả ở các địa phương khác như Chàng Sơn (Thạch Thất), Ninh Sở (Thường Tín)…
Những khó khăn mới
Các làng nghề mây tre đan hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, nguyên liệu và cả đầu ra. Anh Nguyễn Hữu Hạnh, chủ một hộ sản xuất mây tre đan ở Chàng Sơn cho biết, hiện nay, nguồn nguyên liệu cho mây tre đan đang rất khan hiếm và giá thành ngày càng cao. Sở dĩ vậy vì hiện nay vùng rừng nguyên liệu lớn khu vực Tây Bắc đã cạn, việc tìm nguồn nguyên liệu rất khó khăn, phải đi xa hơn (vào miền Nam, sang Lào…) nên chi phí thuê nhân công cũng cao hơn. Trung bình mỗi năm, giá nguyên liệu khi về đến cơ sở sản xuất đều tăng khoảng 20%.
Thu nhập từ làm nghề không đủ để bảo đảm cuộc sống, một lượng lớn lao động trẻ bỏ nghề để đi làm ăn xa hoặc kiếm kế sinh nhai bằng các nghề khác. Chương Mỹ trước đây có khoảng 90% người dân làm nghề sản xuất các sản phẩm từ mây tre đan thì nay con số đó chỉ còn lại khoảng 20%. Ông Đào Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Kinh tế Chương Mỹ cho biết, hiện nay, đa số lao động làm nghề mây tre đan ở lứa tuổi trên 40, còn lớp trẻ hoặc là đi học, hoặc làm nghề khác, họ không coi mây tre đan là một nghề chính.
Lãi cao, không vay được vốn cũng đẩy nhiều làng nghề rơi vào bê tắc. Thêm vào đó, thị trường bó hẹp do khủng hoảng kinh tế càng khiến nghề mây tre đan thêm khó khăn. Phú Túc vốn nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nga, Đông Âu… thì nay phải chấp nhận giảm mất hơn nửa lượng khách hàng, nhiều cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa.
Sớm tháo gỡ
Việc khôi phục nguồn nguyên liệu cho nghề mây tre đan là cần thiết. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 11/2011/QÐ-TTg khuyến khích phát triển ngành mây tre đan trong điều kiện mới. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan trong nước. Tuy nhiên việc thực hiện đòi hỏi một quá trình dài. Trong khi đó, việc hỗ trợ vốn trước mắt cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Tiếp theo là tìm thị trường cho sản phẩm. Đây là một yếu tố quyết định sống còn của các làng nghề hiện nay. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân. Gần đây, Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương TP Hà Nội) có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Qua các sự kiện này, nhiều doanh nghiệp tìm được những khách hàng mới. Tuy nhiên, theo ông Đào Mạnh Hà, hiện các doanh nghiệp làng nghề chưa có sự liên kết trong việc kinh doanh. "Nhiều hộ kinh doanh mới chấp nhận bán giá thấp, thậm chí là lỗ để dành khách hàng, thành ra chính các doanh nghiệp lại cạnh tranh với nhau mà không có sự liên kết" - ông Hà nói.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Trung tâm Khuyến công cũng có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động trẻ, qua đó nâng cao tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn cần một chính sách dài hơi hơn để thu hút lao động trở lại với làng nghề, coi nghề mây tre đan là một nghề chính của họ.