Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vui nhưng đừng quá khích

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đi bão đêm” – cụm từ này không lạ với giới trẻ và ngay đến người già cũng biết. Ấy là từ lóng để nói việc người người, nhà nhà “xuống đường” mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia của chúng ta thắng trận. Đã có nhiều người cổ súy, biện minh cho hành vi này với lý do rất cao cả là thể hiện “tinh thần dân tộc”, “tinh thần chiến thắng”…

 Ảnh minh họa
Với mỗi người Việt Nam, chiến thắng của đội tuyển quốc gia thực sự là niềm vui, là ý chí, khát vọng vươn lên và là niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc. Nhưng, niềm tự hào dân tộc chắc chắn không phải là việc xuống đường đi bão đêm. Người dân Hà Nội và cả nước mới thở phào khi vấn nạn tổ chức đua xe của bộ phận giới trẻ đã bị lực lượng công an kiềm chế mỗi khi đội tuyển thắng trận. Thì nay, lại giật mình khi có tới hàng chục người thương vong do va chạm giao thông, ẩu đả trong đêm 6/12, khi đội tuyển
Việt Nam thắng đội Philippines tại giải AFF Suzuki Cup 2018.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có một bộ phận giới trẻ và cả người lớn tuổi đang lợi dụng niềm vui chiến thắng để có những hành vi quá khích? Và chính những hành vi đó đang gây sự lo lắng cho xã hội.
Bởi họ xuống đường không chỉ gây ùn tắc giao thông, làm ô nhiễm môi trường, mà còn gây họa ly tán cho nhiều gia đình khi xảy ra tai nạn do phóng nhanh, lạng lách, ẩu đả. Cá biệt có chị em quá khích còn cởi đồ khoe thân giữa chốn đông người, rất phản cảm. Đáng buồn là trước tình trạng đó, không ít người lại tán dương và coi đó mới là thể hiện tinh thần chiến thắng, niềm tự hào.
Vẫn biết, việc bày tỏ niềm vui mỗi khi đội tuyển chiến thắng là quyền chính đáng của mọi người. Nhưng lợi dụng niềm vui để có những hành vi quá khích, gây tổn hại tới người khác, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục như việc đi bão đêm của một số người thì đáng phải lên án.