Làm muối trên đá
Trảng muối (người dân thường gọi là “trũng muối”) nằm trên triền đá bên bờ biển, gần làng Gò Cỏ (thuộc xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Theo người làng Gò Cỏ, khu vực này từ hàng nghìn năm trước, ông bà tổ tiên của họ đã làm muối trên mặt đá để dùng trong sinh hoạt gia đình và muối cá.

“Ai muốn làm thì cứ vào độ tầm tháng 3, khi trời bắt đầu nắng gắt, xuống trũng quét dọn sạch sẽ, múc nước biển đổ lên đá. Vài ngày sau là có muối để dùng”- bà Nguyễn Thị Gá cho hay.
Trũng muối có diện tích khoảng 10ha, một bên giáp biển, một bên giáp núi là vùng rừng cây chịu hạn. Trũng có 2 khu vực: khu vực hồ trên đá chứa nước biển chảy vào tự nhiên theo triều cường và sóng. Nước được giữ trong hồ chứa dưới ánh nắng mặt trời có độ mặn cao hơn nước biển bình thường.
Khu vực ruộng muối trên đá là các ô nhỏ được be bờ đất sét, hoặc hố trũng. Từ hồ chứa nước biển, người ta dùng thùng nhỏ lấy nước đem đổ vào các ô ruộng muối.

Khoảng một tuần, nước biển phơi nắng sẽ bốc hơi trở thành tinh thể muối trắng óng ánh, hạt muối lớn hơn so với muối bình thường. Muối được sản xuất trên đá ở đây rất trắng, sạch, vị mặn vừa phải và có hậu ngọt.
Cư dân Gò Cỏ hiện nay vẫn giữ cách làm muối trên trũng đá như tổ tiên ông bà thuở trước. Trải qua thời gian dài, hầu hết lớp vỏ đá ở các ô làm muối cổ đều bị mài mòn và có màu sẫm đen.
Theo bà Huỳnh Thị Thương, người làng không làm muối nhiều, chỉ đủ để sử dụng trong gia đình. Nay làng làm du lịch cộng đồng nên làm dư ra một ít, bán cho du khách và rất được ưa chuộng.

“Cũng thật lạ là chỉ có ở trũng đá này thì muối mới kết tinh, ngoài khu vực trũng, các chỗ khác không làm muối được”- bà Thương chia sẻ thêm.
Vùng làm muối "có một không hai"
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, trũng muối được phát hiện vào tháng 7/2024, trong quá trình ông khảo sát di tích khảo cổ của Văn hóa Sa Huỳnh - nơi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.

Trũng muối cổ Sa Huỳnh có niên đại khoảng 2.000 năm, là thành tố không thể tách rời với Văn hóa Sa Huỳnh. Truyền thống kỹ thuật phơi nước biển làm muối tại Sa Huỳnh phát triển liên tục từ Văn hóa Sa Huỳnh đến Chăm-pa và đến Đại Việt không bị đứt quãng là di sản phi vật thể quý giá.
Trong nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ luôn quan tâm đến kỹ thuật làm gốm và muối của cư dân cổ. Trước đây, chỉ có những di tích mộ chum và di tích Long Thạnh được khai quật, chưa từng phát hiện dấu vết về nghề làm muối.
Tuy nhiên, phát hiện này đã cung cấp thêm bằng chứng về 3 phương pháp làm muối của cư dân Sa Huỳnh: phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, nấu nước biển làm muối trong các nồi gốm và làm muối trên các cánh đồng.
Hiện, các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm, nhằm xác định niên đại chính xác của nghề làm muối.
Việc phân tích bao gồm: các mẫu sò thu thập được tại trũng muối hoặc phân tích thạch học để hiểu rõ cấu trúc mặt nền của trũng muối, độ mài mòn của đá. Bên cạnh đó, việc phân tích thành phần hóa học của muối trên đá cũng sẽ cung cấp thông tin về các nguyên tố chứa trong muối.
Không những thế, ông Khôi còn nhấn mạnh, có thể xem trũng muối là vùng làm muối cổ xưa đặc biệt, "có một không hai" ở Đông Nam Á. Ngoài giá trị về nghiên cứu, khu vực làm muối trên đá nằm ngay trong vùng di sản văn hóa quốc gia nên có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, là điểm đến tuyệt vời trong tương lai.
Do đó, cần thiết quy hoạch địa điểm trũng muối cùng với khu vực san hô, vùng rừng chịu hạn, xóm Cỏ (làng Gò Cỏ) nơi người dân làm muối cổ thành Công viên di sản văn hóa muối Sa Huỳnh, nhằm bảo tồn di sản và phát huy giá trị du lịch.

“Có thể nói cư dân Gò Cỏ ở trên "kho vàng” mà không biết. Từ những mối duyên mới phát hiện ra “kho vàng” với hệ thống hơn 10 giếng cổ, vùng làm muối trên đá, con đường cổ... Song, để phát huy du lịch thì làng này phải là làng di sản, con người cũng là di sản”- ông Khôi nói.