Ngày 17/10, tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý III/2016 của Bộ Tư pháp, trả lời câu hỏi về việc tại sao 3 lần thương lượng đầu tiên, TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận mức đền bù cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén với số tiền trên 10 tỷ đồng, nhưng ở lần thương lượng thứ 4 vừa qua, tòa bất ngờ hạ xuống còn 2,6 tỷ đồng, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết, đã phối hợp với TAND Tối cao đôn đốc TAND tỉnh Bình Thuận giải quyết theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Làm nghề nông nên mức bồi thường oan sai thấp
Theo lý giải của Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Trần Việt Hưng, trong quy định về thiệt hại, bồi thường, những thiệt hại để ông Huỳnh Văn Nén được bồi thường rất hạn chế. Nguyên nhân là do những bất cập trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, chi phí thăm nuôi, kêu oan của gia đình ông mười mấy năm rất khó xác định bởi luật hiện hành chưa quy định. Ngoài ra, xác định về thu nhập bị mất trong thời gian ông Nén ngồi tù cũng rất khó, bởi ông làm nông nghiệp ở huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Thu nhập không ổn định nên những tổn thất tinh thần, thu nhập thực tế trong thời gian trước khi ông Nén được minh oan rất thấp, và mức bồi thường cũng thấp nếu tính theo mức lao động, thu nhập ở địa phương.
Ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Thái San |
Để khắc phục hạn chế của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Trần Việt Hưng cho biết, Bộ Tư pháp đang phối hợp với một số cơ quan chức năng sửa đổi Luật, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để việc bồi thường cho những người bị oan sai được thỏa đáng hơn. Ngoài ra, dự thảo Luật sẽ không áp dụng mức bồi thường theo từng địa phương mà theo từng vùng; lấy mức lương cơ sở của cán bộ, công chức để tính cho người bị oan sai. Đồng thời, bổ sung nhiều quy định để rút ngắn thủ tục giải quyết bồi thường.
Trong khi đó, bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho hay, đã làm việc với các cơ quan liên quan, xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Cao Văn Hùng - nguyên điều tra viên gây ra 2 vụ án oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Hiện, Bộ Tư pháp đã có đủ căn cứ xác định ông Hùng chưa đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Tuy nhiên, Cục Bổ trợ tư pháp đang tiến hành quy trình thu hồi chứng chỉ hành nghề cũng như thẻ luật sư của ông Hùng theo đúng quy định của pháp luật.
Phát hiện 30 văn bản trái pháp luật
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong quý III/2016, Bộ đã thẩm định 65 văn bản quy phạm pháp luật và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời và góp ý 277 văn bản. Đặc biệt, Bộ đã kiểm tra 715 văn bản, bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận kiểm tra với 30 văn bản đó, đến nay có 7 văn bản đã được các bộ, ngành và địa phương xử lý; 7 văn bản đã có hướng xử lý, 16 văn bản đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Các phóng viên có ý kiến, thời gian vừa qua, nhiều văn bản vi phạm pháp luật bị “tuýt còi” nhưng không được công khai kịp thời, không đảm bảo công khai minh bạch. Trả lời câu hỏi của báo chí về 30 văn bản trái pháp luật gồm những văn bản nào, bà Nguyễn Thị Thu Hòe - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, Bộ Tư pháp hiện đang xem xét theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, việc công khai sẽ theo quy trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, ông Đỗ Đức Hiển khẳng định, việc công khai vẫn được thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.
Trong năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc. Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44/105 vụ việc, đạt tỷ lệ 41,9% với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 26,35 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 61 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. |