Miếu thờ của đồng bào dân tộc Dao thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) được xây dựng từ năm 1991. Hiện, phần tường đã bong tróc hết lớp vôi vữa, mái hiên bị thấm dột. Bên trong khu miếu lụp xụp cũng không có bàn thờ cúng ngăn nắp, chỉnh tề. Ông Lý Văn Phủ, người có uy tín của thôn Yên Sơn cho biết, miếu thờ đã được người dân xây dựng cách đây hàng chục năm. Hàng năm, cứ đến dịp Tết Tạ ơn, đồng bào dân tộc lại dọn dẹp phong quang để làm lễ tế. Sau đó, miếu lại rơi vào hiu quạnh do ít có người lui tới.
Trưởng thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) Triệu Minh Huấn, nơi cũng có ngôi miếu bị xuống cấp tương tự, cho biết thêm, miếu thờ thường được xây dựng tại vị trí cao nhất của thôn bản, hướng nhìn xuống vùng dân cư dưới chân núi. Vào những năm 1960 trở về trước, cứ mỗi lần thay trưởng bản là một lần ngôi miếu được xây dựng lại tại một vị trí mới. Việc thay đổi vị trí ngôi miếu cũng phụ thuộc vào việc năm đó, đồng bào dân tộc có gặp tai ương, hoạn nạn lớn hay không. Dù vậy, rất nhiều năm trở lại đây, vị trí của những ngôi miếu được giữ nguyên.
Các miếu thờ gắn với Tết Tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì. Vào những ngày này, đồng bào dân tộc Dao sẽ làm mâm cỗ lá để mời người thân, bạn bè, xóm giềng tới chung vui, gửi gắm đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp đầu Xuân năm mới… Nhưng trước khi tổ chức tiệc, đồng bào dân tộc Dao sẽ cùng nhau chuẩn bị lễ vật cung tiến tại miếu thờ linh thiêng để tạ ơn tổ tiên, thần linh, các bậc tiền nhân… đã phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, người dân có sức khỏe và một năm mưa thuận, gió hòa. Tên gọi Tết Tạ ơn cũng bắt nguồn từ đạo lý tốt đẹp đó.
Dù có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Dao, tuy nhiên, các miếu thờ hiện chưa được quan tâm đúng mức. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, nằm ở vùng sâu vùng xa, việc phát triển kinh tế của địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu ngân sách hạn chế nên xã chưa có kinh phí để hỗ trợ cho ba thôn tu bổ các miếu thờ. Theo ông Vượng, từ trước đến nay, việc tu sửa các miếu thờ đều do đồng bào dân tộc trong ba thôn tự đóng góp hoặc kêu gọi xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân. “Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư nâng cấp các miếu thờ thực tế còn khó khăn. Do đó, kiến nghị các cấp, ngành của huyện, TP Hà Nội quan tâm, có hỗ trợ xây dựng trong thời gian tới” – ông Vượng bày tỏ mong muốn.