Xác định lại mục tiêu khai quật Hoàng thành Thăng Long

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021”. Một số chuyên gia cho rằng, cần tránh lặp đi lặp lại việc trình bày, giới thiệu kết quả mới mà cần xác định rõ mục tiêu, chương trình nghiên cứu khu di sản thời gian tới để Hoàng thành Thăng Long phát huy thêm giá trị, đến gần hơn với người dân.

Quang cảnh khu vực khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long). Ảnh: Lại Tấn
Nhiều phát hiện mới
Như thường lệ, trước khi hội thảo diễn ra, các nhà khoa học, phóng viên báo chí được hướng dẫn tham quan, thảo luận tạo hố khai quật rộng 1.000m2 tại Hoàng thành Thăng Long. Dưới góc nhìn của người trực tiếp khai quật, nghiên cứu, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã giới thiệu các kết quả khai quật khảo cổ học năm 2021. Đoàn khách được dẫn đi xung quanh hố khai quật, xem tầng tầng lớp lớp văn hóa từ Đại La đến thời Nguyễn xuất lộ. Cùng với đó là các di vật khảo cổ gồm gạch, ngói, gốm sành… là vật liệu xây dựng của Hoàng cung Thăng Long.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử, văn hoá Thăng Long – Hà Nội dưới lòng đất. Qua đó đã góp thêm nhiều tư liệu làm rõ các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng của Hoàng thành Thăng Long cũng như phục vụ việc nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên thời Lê.

Sau khi nghe báo cáo kết quả khai quật năm 2021, các nhà khoa học đều nhìn nhận, Hoàng cung Thăng Long ngày càng rõ thêm nhưng cũng có nhiều câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, tìm các chứng cứ chứng minh. Các cuộc khai quật hàng năm sẽ từng bước cho phép tiếp cận ngày một rõ hơn, đầy đủ hơn về một Thăng Long hoa lệ ngàn năm, Di sản thế giới của Việt Nam và nhân loại.

Xác định rõ mục tiêu

Tại hội thảo, các chuyên gia khảo cổ học, lịch sử, kiến trúc, văn hóa đều đánh giá cao kết quả cuộc khai quật đã đạt được nhưng cũng còn một số ý kiến băn khoăn. Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Hiện nay, mỗi năm chúng ta khai quật 1.000m2 bằng hình thức cuốn chiếu (đào xong lại lấp) sẽ mất rất nhiều năm mới hoàn thành việc khai quật vùng lõi cấm thành hay không gian điện Kính Thiên. Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể, quy mô và mục tiêu rõ ràng: Bao nhiêu năm sẽ kết thúc khai quật ở khu vực xung quanh của chính điện Kính Thiên và sau bao lâu hoàn thành nghiên cứu phục dựng?”.

Đồng ý với quan điểm trên, TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề khai quật khảo cổ không chỉ 10 năm mà có thể kéo dài hàng trăm năm. Tuy nhiên, để di tích Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị không chỉ làm khảo cổ mà cần xác định các giá trị văn hóa phi vật thể. “Sau khi đã có các kết quả khảo cổ khẳng định Hoàng thành là nơi các triều đại nối tiếp nhau thực thi quyền lực thì cần làm rõ ông cha ta thực thi quyền lực như thế nào? Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đã nói khảo cổ học tạo ra giá trị gốc nhưng di sản còn có hồn. Vì vậy, cần lên kế hoạch cụ thể để đặt ra mục tiêu. Tôi không nghĩ rằng mục tiêu là khai quật được bao nhiều phần trăm mà cần tìm ra giá trị cốt lõi. Nếu đã nhận ra, điện Kinh Thiên là quan trọng thì cần tập trung làm” - TS Nguyễn Viết Chức thẳng thắn chia sẻ.

Từ năm 2002, khi khu vực khảo cổ học 10 Hoàng Diệu phát lộ và Hoàng thành Thăng Long được ghi danh là Di sản thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc chứng minh giá trị của di sản. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, đã có những ý kiến chuyên gia cho rằng, việc khai quật cuốn chiếu (đào rồi lại lấp) cần thay đổi để Khu di tích Hoàng thành Thăng Long phát huy hơn nữa giá trị. Qua đó người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có thể hiểu rõ hơn lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến.