Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, đề xuất tăng bình quân 15% cho giá các loại đất như: đất ở đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế của từng địa phương.
Theo đánh giá của UBND TP, việc xây dựng Bảng giá đất góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Đặc biệt, việc này sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, giảm tình trạng đầu cơ về đất, tăng thu ngân sách nhà nước.
Các ý kiến tại hội nghị của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các thành viên Hội đồng Tư vấn của MTTQ TP đều đánh giá cao sự cần thiết ban hành giá đất mới theo quy định. Dự thảo nghị quyết đã tuân thủ các quy trình của pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo cho rằng, Hà Nội cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các TP lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá đất của thành phố giai đoạn 2020 – 2024, nhất là khu vực nông nghiệp có những khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy giá đất cần phải được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.
Nhấn mạnh đất đai là vấn đề phức tạp nhất trong những vấn đề phức tạp của xã hội, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, trong quá trình xây dựng bảng giá đất phải đánh giá tác động xã hội, trong đó đánh giá kỹ ảnh hưởng đến Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường là cần thiết để bảng giá tiếp cận gần hơn với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.