Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa Hà Nội: Những lá phổi xanh lộ hình hài

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 7 triệu dân cùng tốc độ đô thị hóa chóng mặt, quy hoạch và thực hiện quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa tại Hà Nội có vai trò quan trọng.

Ngoài chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường, công viên, vườn hoa còn là điểm đến lý tưởng, thú vị của người dân và du khách, là động lực góp phần phát triển ngành du lịch của Thủ đô.
Chỉ tiêu xanh chưa cùng tốc độ đô thị hóa

Trong nhiều thập kỷ trước, các công viên nằm giữa lòng TP như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... đã thật sự là những “lá phổi” xanh, khoảng thở đô thị, điểm đến vui chơi, giải trí thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số chóng mặt đã khiến những không gian xanh này không còn cân đối với những khu đô thị mọc lên san sát. Bên cạnh đó, do ít được đầu tư nên những công viên này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Công viên Bách Thảo vẫn chỉ là nơi tập thể dục của người dân, vườn thú Thủ Lệ chỉ đông người vào vài ngày nghỉ lễ trong năm... Tại khu vực phía Tây có một số điểm vui chơi, giải trí khác như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên Hồ Tây song tính hấp dẫn hạn chế, chưa trở thành điểm đến thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Công viên Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Theo số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội năm 2015, diện tích công viên, vườn hoa bình quân chỉ là 0,9m2/người. Tại quận Thanh Xuân, Đống Đa, bình quân cây xanh công viên chỉ là… 0m2/người. TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết, vườn hoa, sân chơi khu dân cư tại Hà Nội đang rất thiếu. Chỉ tiêu công viên, vườn hoa, cây xanh trong quy chuẩn xây dựng cần 7m2/người nhưng trong nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng gần 2m2/người.

“Hà Nội cần có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng mất cân đối mảng xanh với tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, để hình thành được hệ thống công viên cây xanh đạt chuẩn trong đô thị theo quy hoạch, cần phải có quyết tâm rất lớn của chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư đô thị” - ông Nghiêm nhận định.

Hàng loạt dự án được triển khai

Để tạo không gian xanh cho người dân, hạn chế tình trạng phát triển mất cân đối, trong những năm gần đây, lãnh đạo TP không ngừng quan tâm chú trọng đến mảng xanh cho Thủ đô. Từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới; 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù. Với tinh thần đó, nhiều công viên diện tích lớn đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như Công viên Hòa Bình rộng hơn 20ha hay Công viên Yên Sở 300ha.

Đặc biệt, Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khởi xướng năm 2016 đã thực sự đáp ứng kỳ vọng về một TP xanh của người dân. Đến nay đã có thêm 210.000 cây xanh mới được trồng, trong đó nhiều cây đang phủ xanh các công viên cũ, công viên mới.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án xây dựng công viên lớn được khởi công, điển hình ngày 2/9/2016, Tập đoàn SunGoup động thổ xây dựng Công viên Kim Quy quy mô lên tới 198ha theo mô hình Disneyland tại huyện Đông Anh. Tại lễ động thổ dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Dự án sẽ hiện thực hóa chủ trương tăng cường các không gian công cộng, khoảng xanh trong phát triển Hà Nội đã được phê duyệt. Công viên Kim Quy sẽ giúp người dân tiếp cận với các hình thức vui chơi giải trí tiên tiến hàng đầu thế giới, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Thủ đô”.

Ngoài ra, nhiều dự án công viên lớn đang dần hoàn thiện như: Khu công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; Dự án khu công viên - hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính; khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông… TP cũng có ý tưởng xây dựng công viên địa chất từ Ba Vì đến Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Riêng khu vui chơi giải trí rộng 300ha tại khu vực đền Sóc, huyện Sóc Sơn đang được khẩn trương thực hiện.

Cần sự chung tay

Bên cạnh những dự án công viên cây xanh, vui chơi giải trí được hình thành tại khu vực nội đô, trong tương lai, Hà Nội còn có Công viên sinh thái nông nghiệp tại thị trấn Quang Minh – Chi Đông (huyện Mê Linh); Công viên thể dục thể thao tại Văn Khê – Mê Linh; Công viên sinh thái dã ngoại kết hợp du lịch tại Vân Trì – Sơn Du (tại huyện Mê Linh – Đông Anh)... Những công viên này khi hoàn thành không chỉ tạo ra những lá phổi xanh cho người dân địa phương và TP, mà còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị cũng như cải thiện môi trường sống, và là nguồn lực để phát triển du lịch Thủ đô. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Vào mỗi dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đưa các con đến các điểm vui chơi giải trí trong TP. Thời gian gần đây, khu vực cận ngoại thành đã có những điểm vui chơi thú vị hơn như Công viên Yên Sở. Đây thực sự là không gian lý tưởng. Con trẻ được vui chơi, tìm hiểu văn hóa, người lớn hòa mình vào không gian xanh thoáng đãng tạm quên đi những bộn bề lo toan hàng ngày”.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, TP đã huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa, hồ nước. Nhiều công trình đã hoàn thành như: Công viên Hòa Bình, Yên Sở, Yên Hòa, Việt Hưng, Sài Đồng... Bên cạnh việc đầu tư xây dựng công viên tập trung, TP cũng phân cấp cho các quận, huyện, thị xã xây dựng, hoàn thiện các vườn hoa trong các khu phố. Hiện, 4 quận nội thành đã hoàn thành cải tạo 18 vườn hoa, thị trấn 23 vườn hoa. Dù Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn trong triển khai trên thực tế. Dự kiến, để hoàn thành mục tiêu trồng, chăm sóc cây xanh, hồ nước và công viên như quy hoạch, kinh phí dự kiến lên tới 270.404 tỷ đồng trong 1 năm, trong đó riêng khu vực trung tâm khoảng 211.000 tỷ đồng. Con số này không phải là nhỏ, vì thế rất cần sự chung tay của toàn xã hội, các nhà đầu tư, góp phần tạo nên những mảng xanh, tạo đà cho phát triển Thủ đô Hà Nội bền vững.

Hiện, toàn TP có 26 công viên và 42 vườn hoa với tổng diện tích khoảng 412ha. Để duy trì hệ thống công viên, cây xanh, trong khu vực nội đô, Sở Xây dựng sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng công viên chuyên đề sẵn có như Công viên Bách Thảo, Vườn thú Thủ Lệ; cải tạo, chuyển đổi hình thức tổ chức không gian một số công viên sang hình thức công viên mở như Công viên Thống Nhất; dành quỹ đất phù hợp sau khi di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh. Phấn đấu chỉ tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến khoảng 4 - 4,5m2/người.