Xây dựng Chính phủ điện tử: Vấn đề không phải thiếu tiền mà là thiếu cách làm phù hợp

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính? thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi với các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Thủ tướng chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sáng 20/9. Ảnh: VGP.
Rào cản đầu tiên chính là yếu tố con người?
Sáng 20/9, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Ủy ban và lãnh đạo bộ, ngành, tập đoàn là thành viên của Ủy ban.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng việc triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập, tiến độ còn chậm.
Theo đó, Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines. Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đồng thời Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng làm Phó Chủ tịch và nhiều ủy viên là tư lệnh ngành, lĩnh vực, lãnh đạo tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong phiên họp đầu tiên này, Thủ tướng đề nghị Ủy ban cần đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử từ nay đến 2025. Trong đó cần nêu cụ thể những rào cản, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ.
"Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính? thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc? hay thiếu về thể chế, chính sách hay tồn tại những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong việc triển khai?", Thủ tướng nêu câu hỏi.
Nhấn mạnh vấn đề “không phải là thiếu tiền mà cái chính là thiếu cách làm phù hợp”, Thủ tướng đề nghị Ủy ban thảo luận về vấn đề bảo đảm các nguồn lực; ưu tiên nguồn lực tài chính, thu hút nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử; vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung; đề xuất các chỉ tiêu cần đạt được; các vấn đề về khung kiến trúc Chính phủ điện tử như thế nào, cần những yếu tố nền tảng nào?...
Thủ tướng tham quan Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Trên 50 bộ, ngành, địa phương đã triển khai đề án
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thực hiện Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0) được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2015, đến nay đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu và xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử. Theo đó, đến nay đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 100% các bộ, ngành, địa phương có trang/cổng Thông tin điện tử.
Về dịch vụ công trực tuyến: Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, ngành cung cấp hiện nay là 1.551 dịch vụ; các địa phương cung cấp hiện nay là 45.374 dịch vụ. Các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu thiết lập các trung tâm dữ liệu, tuy nhiên ở các quy mô rất khác nhau.
Về những mặt còn tồn tại, vấn đề nổi lên là hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử như dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau, chưa thực hiện kết nối, liên thông, gửi nhận văn bản điện tử. Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn từ giấy đến điện tử, điện tử đến giấy gây phiền hà thêm cho người dân, doanh nghiệp và cả công chức thực hiện...
Ngày 8/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, gồm Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
13 Ủy viên là các ông: Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT; Tô Lâm, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Đặng Vũ Sơn, Trung tướng, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng; Lê Đăng Dũng, Thiếu tướng, phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT); Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT.