Cùng dự hội thảo còn có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các sở ban, ngành, hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp giảng dạy hoạt động Giáo dục địa phương (GDĐP) tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đề án đào tạo giáo viên môn Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025 cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Đề án bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên hướng đến 4 đối tượng: Cán bộ quản lý, giáo viên đại trà, giáo viên dạy GDĐP TP Hà Nội và sinh viên một số ngành sư phạm của ĐH Thủ đô Hà Nội.
Về cơ bản, chương trình bồi dưỡng sẽ bám sát nội dung GDĐP của Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp giáo viên vững vàng kiến thức để giảng dạy nội dung GDĐP TP Hà Nội ở các cấp học trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội học là môn khoa học liên ngành nên ngoài phương pháp mới, phương pháp truyền thống còn có sử dụng phương pháp liên ngành, phương pháp biện chứng trong nghiên cứu Hà Nội học.
Kiến thức Hà Nội học rất phong phú, tuy nhiên, Ban chuyên môn cùng các nhà khoa học trong và ngoài Trường ĐH Thủ đô đã thống nhất xây dựng khung của 7 chương trình, 13 chuyên đề cốt lõi, 24 khung chuyên đề bổ trợ dành cho các đối tượng giáo viên ở các cấp học khác nhau.
Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên đã, đang và sẽ tham gia giảng dạy nội dung GDĐP TP Hà Nội; qua đó góp phần sáng tỏ hơn các nội dung chuyên đề sẽ đưa vào bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông.
Được biết, sau khi hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ tiến hành dạy một số lớp thử nghiệm trước khi dạy mở rộng cho 4 đối tượng của Đề án.