Kinhtedothi - Ngày 12/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tham gia góp ý kiến phản biện vào Dự thảo chuyên đề “Quy hoạch (QH) tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) TP Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là QH hệ thống lực lượng PCCC).
Tham dự có đại diện cán bộ các sở, ban, ngành, các hội đồng tư vấn, tổ chức thành viên MTTQ và các nhà khoa học.
Hội nghị tham gia góp ý vào Quy hạch hệ thống lực lượng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn TP Hà Nội
|
Hỏa hoạn gia tăng
Theo số liệu của dự thảo, từ năm 2010 đến 2015, toàn TP Hà Nội xảy ra 1.085 vụ cháy nổ và gần 1.300 sự cố, làm 71 người chết, 127 bị thương, thiệt hại trên 411,2 tỷ đồng, trong đó năm 2010, có 246 vụ thiệt hại trên 76 tỷ đồng (chết 16 người), thì năm 2014, có 166 vụ, làm 18 người chết, thiệt hại 200 tỷ đồng, chiếm gần 50% trong 3 năm trước đó cộng lại.
Nhìn chung, công tác PCCC và CNCH tại chỗ hiện không đáp ứng yêu cầu. Theo dự thảo, QH của lực lượng PCCC đến năm 2025, quy mô nâng lên rất lớn, về đất sử dụng cho cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị.
Theo đó, cấp huyện, có Phòng PCCC, với cơ sở vật chất có diện tích phục vụ huấn luyện từ 5.000 m2 – 10.000m2 (có 100 – 150 cán bộ, chiến sỹ); tương ứng cấp đội PCCC là 1.500m2 đến 2.000m2 (30 – 50 cán bộ, chiến sỹ). Hiện lực lượng PCCC của TP Hà Nội có trên 2.000 cán bộ chiến sỹ, đến năm 2030 nâng lên 6.500 người, đặc biệt, Hà Nội có lực lượng PCCC và CNCH đường sông, hàng không… và nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, với tổng mức đầu tư (khái toán) cần khoảng 10.000 tỷ đồng…
Thống nhất cao với dự thảo, các đại biểu cho rằng, QH hệ thống PCCC Hà Nội là rất cần thiết. Liên quan đến đất đai, TS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên GĐ sở QH - KT) cho rằng quy mô (theo dự thảo) của QH nâng từ 6ha lên 28ha là có cơ sở, bởi Hà Nội phát triển “chóng mặt” nhà cao tầng. Năm 2005, Hà Nội mới có 60 khu chung cư nhà cao tầng, nay theo QH nâng lên 279 dự án nhà cao tầng, trong đó QH có nhà cao từ 74 tầng lên 102 tầng...
Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có QH chung xây dựng Thủ đô (được Thủ tướng phê duyệt), đề nghị Ban soạn thảo, cần bám sát vào các QH chuyên ngành của Hà Nội; các QH kinh tế xã hội (khu vực quận, huyện) để QH bố trí hệ thống lực lượng PCCC phù hợp, hiệu quả…
TS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu tại hội nghị
PCCC không của riêng ai
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Gia Vỹ (nguyên Viện trưởng KHCN Nhiệt lạnh – trường ĐH Bách khoa) cho biết, ngay các nước phát triển việc tham gia công tác PCCC được cộng đồng tham gia.
Ở Mỹ, lực lượng PCCC có trên 1,1 triệu người, nhưng lưc lượng chính quy chuyên nghiệp có khoảng 34 vạn người (chiến hơn 30%), còn lại là lực lượng tự nguyện tham gia PCCC. Ngoài ra, một số nước còn đưa chương trình cho học sinh học phổ thông về PCCC. Bởi vậy, công tác tuyên truyền và tổ chức PCCC tại chỗ là vô cùng quan trọng.
Về trang thiết bị, TS Lê Sinh Hồi (Phó Chủ nhiệm Khoa Thiết bị - Đại học PCCC) cho biết, trong cứu hỏa, nước chiếm vai trò quan trọng hàng đầu, xe cứu hỏa chỉ là phương tiện để tăng áp lực đẩy nước chữa cháy. Ông Hồi đề nghị, trong dự thảo cần QH đầy đủ các họng, trạm nước cho chữa cháy.
Ông Phạm Lợi (nguyên Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội) đề nghị trong dự thảo cần nêu bật quan điểm, công tác PCCC tại chỗ, công tác PCCC phải huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đồng thời phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC tại chỗ cho người dân nắm được những kiến thức cơ bản.
Về khoản đầu tư, một số đại biểu cho rằng, với con số đầu tư lớn, cần phân kỳ đầu tư và tăng cường xã hội hóa đầu tư. Theo đó, ở các khu công nghiệp và chế xuất, cần lập đội PCCC và yêu cầu các DN ở đó phải đóng góp cho công tác này.