Việt Nam là một trong số ít nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng. Trong đó, Vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là những khu vực rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Hiện Việt Nam chỉ có 30 tỉnh, thành xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.
Trồng cây trên bãi thải ở mỏ than Núi Béo, tỉnh Quảng Ninh.Ảnh: Đức San
Các chuyên gia cũng nhận định, mô hình kinh tế xanh là xu hướng phát triển tối ưu, các quốc gia nên thực hiện, để ngăn chặn những thách thức của BĐKH đang ảnh hưởng mạnh đến đời sống con người. TS Lương Quang Huy, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về BĐKH, chia sẻ: "Tại Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh đến Việt Nam. BĐKH làm thiên tai và các hiện tượng khí tượng cực đoan khác, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống ngày một nặng nề hơn".
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 chỉ rõ: Đến năm 2020, các cơ sở sản xuất - kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Đây là rào cản trên con đường đi tới xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam. Mới đây, trong chương trình đối thoại chính sách "Tăng trưởng xanh - Cơ hội, thách thức và lựa chọn nào cho Việt Nam?", Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Lựa chọn nền kinh tế xanh là giải pháp để đối phó với BĐKH, phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam.