Xây dựng thiết chế văn hóa cụ thể hơn để giữ chân người lao động

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hà Nội, hiện việc xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân được các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) quan tâm đầu tư nhiều.

Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế, việc đầu tư vào các thiết chế văn hóa tại một số KCN, KCX, khu nhà ở vẫn còn hạn chế.
Còn thiếu những khu vui chơi giải trí
Phòng đọc sách rộng hơn 200m2, nhà văn hóa có sức chứa 2.000 người, khu thể thao, sân bóng chuyền, bóng bàn rộng rãi, khang trang… là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm khu sinh hoạt văn hóa cho công nhân tại khu nhà ở xã hội Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vào một trưa hè nắng gắt. Chúng tôi tìm đến tòa nhà 15 tầng dành cho hộ gia đình khi anh Nguyễn Quân Chính (phòng 505A) đang chuẩn bị bữa cơm trưa.
Anh Chính cho hay: “Tôi ở khu nhà này 2 năm nay, mọi điều kiện sinh hoạt ăn nghỉ đối với anh em công nhân đều tốt. Sau mỗi ca đi làm về, ngoài nghỉ ngơi, anh em còn có điều kiện tập thể thao, thư giãn, giải trí nên tinh thần rất vui vẻ. Nói chung, tất cả điều kiện sống ở đây đều ổn. Tuy nhiên theo anh, mỗi tòa nhà nên có thêm trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách báo có nhiều đầu sách hơn để thu hút được mọi người. Bởi đây là cầu nối, giao lưu giữa các công đoàn viên, đồng thời khơi dậy văn hóa đọc, phong trào văn nghệ cho người lao động”.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thăm hỏi công nhân Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Lặn lội từ Nghệ An lên Hà Nội chăm cháu, bà Nguyễn Thị Bình (59 tuổi) ở phòng 406A cảm nhận: “Không những được hưởng về mặt vật chất, công nhân ở đây còn được hưởng các điều kiện nâng cao về mặt văn hóa, tinh thần như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ vào các dịp Trung thu, lễ, Tết… Nhưng do làm cho Công ty Nhật Bản, khắt khe về thời gian nên các con tôi không mấy khi để ý đến thời gian vui chơi, giải trí… Để các con chuyên tâm hơn vào công việc, tôi mong mỗi công ty có nhà trẻ riêng, giữ trẻ theo ca để bố mẹ yên tâm làm việc hơn”. Thực tế tại KCN Bắc Thăng Long, TP đã cho xây dựng nhà trẻ Kim Chung 2 nhằm ưu tiên cho công nhân, lao động gửi con với mức chi phí ưu đãi 500.000 đồng/cháu/tháng (cả tiền ăn, học). Tuy nhiên, công suất của nhà trẻ chỉ đạt trên 300 cháu nên không thể đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng cao của người lao động.
Dù đã được đầu tư, nhưng nhìn rộng ra ở hầu hết các KCN, KCX... đều có chung tình trạng thiếu địa điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, nhất là công viên cho công nhân, người lao động. Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Văn Tùng, hiện làm việc cho Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang thiếu công viên và địa điểm vui chơi, giải trí miễn phí cho người lao động nên đời sống văn hóa, tinh thần của họ có phần hạn chế. Người lao động ngoài giờ đi làm, khi về nhà đều phải tự tìm những địa điểm vui chơi bên ngoài với chi phí khá cao, không đủ khả năng chi trả một cách thường xuyên (thu nhập bình quân chỉ đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng). 
Cần những cơ chế, chính sách phù hợp
Hiện Hà Nội có 8 KCN, KCX đang hoạt động với tổng số công nhân lao động hơn 144.000 người, đến từ nhiều tỉnh, TP. Trong đó, khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh) hiện có khoảng 61.000 công nhân. Số lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Hưng Yên... chiếm hơn 40.000 người. Số còn lại là người Hà Nội nhưng đa phần cũng đến từ những khu vực rất xa nơi làm việc... Thực tế những năm qua, bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao công lập do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, các khu công nghiệp, DN, tổ chức đoàn thể chính trị cũng đầu tư. Một số DN ở các khu công nghiệp cũng quan tâm và chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như hội trường đa năng có sân khấu, sân chơi một số môn thể thao phổ thông để công nhân có nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, do cường độ lao động, việc làm thường xuyên tăng ca nên các nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của công nhân cũng giảm xuống.
Ông Tô Hiến Huân - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội, đơn vị quản lý các nhà xã hội KCN Bắc Thăng Long cho biết, hiện Xí nghiệp quản lý 24 tòa nhà 5 tầng hơn 5.000 công nhân, 4 tòa nhà 15 tầng với 448 hộ gia đình thuê nhà. Giá cho thuê hộ gia đình vẫn áp dụng như với hộ độc thân (120.000 đồng/người nhân theo số người đã thiết kế/phòng). Thời gian qua, xí nghiệp cùng TP đã xây dựng khu nhà chung cư với mô hình khép kín được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chỗ ở cho hàng trăm nghìn công nhân lao động. Ngoài chăm lo về vật chất, Công ty còn thường xuyên phát báo cho công nhân, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, Tết; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tuyên tuyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, tư vấn, giải đáp những vướng mắc về pháp luật. “Thiết chế văn hóa hoàn chỉnh sẽ tăng năng lực cạnh tranh, từ đó giảm tình trạng nhảy việc. Chúng tôi mong TP có những cơ chế, chính sách phù hợp, sớm hỗ trợ DN về khu vui chơi, giải trí, thư viện sách, trường mẫu giáo để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CN” - ông Huân hy vọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần