Theo thống kê từ VietstockFiance, 100 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2023 thuộc nhóm bất động sản bao gồm nhà ở và khu công nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến ngày 31.3.2023 là 456 nghìn tỉ đồng, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó, 52 doanh nghiệp tăng, 22 doanh nghiệp không thay đổi và 26 doanh nghiệp giảm hàng tồn kho so với đầu năm.
Cũng theo số liệu từ VietstockFiance, có 15 doanh nghiệp bất động sản hàng tồn kho chiếm từ 50% tổng tài sản tính đến cuối quý I, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản nhà ở.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm gần 65% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm trên 38% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.
Việc lãi suất tiếp tục hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đưa dòng tiền quay trở lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá, thông tin giảm lãi suất chỉ có tác dụng về tâm lý, chứ để đi vào cuộc sống phải mất thêm thời gian. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, khi đặt câu hỏi về việc khi nào lãi suất giảm thì hầu như các ngân hàng đều trả lời là cần có độ trễ, thậm chí phải đến 1 năm để lãi suất thực tế giảm vì liên quan đến câu chuyện chi phí vốn đã bỏ ra của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát ở TP Hồ Chí Minh - cho hay, ông đi tham khảo vài ngân hàng thì một số ngân hàng xem xét đến yếu tố dự án có đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, khả năng bán được hàng hay không thì mới xét duyệt hồ sơ cho vay. Thế nhưng, không chỉ gặp khó về thủ tục mà ngay cả mức lãi suất đang có tín hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở quanh mức 11-13%/năm là vẫn cao khiến doanh nghiệp cũng phải cân nhắc thêm.
Niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng sụt giảm cũng như lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính là cản trở cho việc người mua bất động sản đưa ra quyết định. Khi sức cầu giảm, thanh khoản chậm, doanh nghiệp địa ốc càng đối mặt với tình cảnh “hàng ế” gia tăng. Trong bối cảnh, dòng tín dụng từ các ngân hàng cũng như tiền từ khách hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn còn rất chậm khiến cho các chủ đầu tư cũng khó khăn trong việc khởi động lại các dự án.
Trong khi đó, ở phân khúc nhà giá rẻ và nhà ở xã hội, mặc dù gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được đánh giá là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đều cần tiền để vay mua và vay xây dựng nhà ở xã hội nhưng khi đi vào thực tế thì việc giải ngân đang gặp khó. Nguyên nhân chủ yếu là cũng thiếu nguồn cung đáp ứng điều kiện được vay.
Và ở gói tín dụng này, câu chuyện lãi suất vay cũng là điều đang được bàn đến khi lãi suất dành cho gói tín dụng này khoảng 8% trong 5 năm đầu vẫn còn quá cao so với khả năng của những người có thu nhập thấp. Không những vậy, sau 5 năm sẽ quay về tình huống tự thương lượng với ngân hàng, dễ là bẫy lãi suất rủi ro lớn cho người mua nhà.
Điểm đáng mừng hiện nay là thanh khoản có cải thiện hơn so với những tháng đầu năm 2023, song theo các chuyên gia, để dòng tiền thực sự quay trở lại thị trường địa ốc, vẫn phụ thuộc phần lớn vào lãi suất cho vay của ngân hàng. Hiệp hội môi giới bất động sản cho rằng, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới “phản ứng” mạnh. Lãi suất 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.