Xe buýt Hà Nội cần thêm thời gian để hồi phục

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động sâu sắc lên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải sụt giảm doanh thu, cái mất lớn nhất của xe buýt là thiếu hụt nhân sự và “suy thoái thương hiệu”.

Thiệt đơn, thiệt kép
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị khai thác dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt lớn nhất của Hà Nội. Trong thời gian ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Transerco cũng là đơn vị chịu nhiều thiệt hại nhất. Với khoảng 6.000 lao động đang làm việc trên các tuyến xe buýt, chi phí tiền lương mà đơn vị phải chi trả hàng tháng rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong những ngày không có doanh thu do phải ngừng hoạt động tất cả các tuyến buýt, người lao động vẫn được hưởng một khoản thu nhập nhất định. Sau khi hoạt động trở lại 100%, các tuyến buýt lại lâm cảnh đìu hiu, lượng khách sụt giảm mạnh.
 Xe buýt hoạt động tại điểm trung chuyển Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện lượng khách sử dụng xe buýt chỉ đạt khoảng dưới 1 triệu lượt/ngày, giảm 20 - 30% so với trước thời gian giãn cách xã hội. Lãnh đạo Transerco cho biết, tình hình tài chính khó khăn khiến đơn vị phải tiết giảm tối đa chi phí, cắt giảm từ 20 - 40% lương lãnh đạo, cán bộ để bù đắp chi phí lương, phụ cấp cho nhân viên phục vụ trên các tuyến buýt.
Tương tự, nhiều đơn vị tham gia khai thác VTHKCC khác cũng đang phải nỗ lực rất lớn để dần hồi phục. Không chỉ mất doanh thu, phải bù lỗ để duy trì hoạt động, các DN này đang phải đối mặt với 3 khó khăn chính. Thứ nhất là một bộ phận hành khách do lo sợ dịch bệnh quay trở lại nên vẫn chưa muốn sử dụng xe buýt.
Thứ hai là trong thời gian ngừng hoạt động, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực để duy trì thu nhập, dù ở mức tối thiểu, cho lái xe, nhân viên soát vé. Không ít người đã buộc phải bỏ việc đi chạy xe ôm, bán hàng… để kiếm sống, khiến các tuyến buýt thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là người lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt. Thứ ba là hình ảnh xe buýt trong nhận thức của một số hành khách ít nhiều đã bị lu mờ đi.
Thực tế là để xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, tiện lợi đối với người dân, xe buýt Hà Nội đã phải mất nhiều thập kỷ, với vô vàn nỗ lực, cố gắng. Trải qua một đợt dịch bệnh chỉ trong vài tháng, hình ảnh xe buýt đã không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực; và lại phải cần rất nhiều thời gian, công sức nữa mới khôi phục được.
Bên cạnh đó, đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển của xe buýt Hà Nội. Các kế hoạch, dự định mở rộng mạng lưới, thay thế phương tiện, đưa công nghệ thông tin vào hiện đại hóa dịch vụ xe buýt cũng vì thế mà chậm lại đáng kể. Nhiều chuyên gia cho rằng, vài tháng diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đã kéo lùi đà phát triển của xe buýt Hà Nội đến cả năm trời, thậm chí là vài năm.
Gian nan thử sức
Có thể thấy, trải qua “cơn bão táp” Covid-19, xe buýt Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục tần suất hoạt động, chất lượng dịch vụ vẫn được giữ ở mức tốt, các biện pháp phòng chống dịch vẫn bảo đảm duy trì. Vấn đề trước mắt là các DN phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển cho phù hợp với tình hình mới.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng, đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, xe buýt Hà Nội cần các kịch bản rõ ràng, hiệu quả hơn để ứng phó với các tình huống bất ngờ. “Nếu trong tương lai gặp khó khăn tương tự, xe buýt Hà Nội cần các kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn trước, trong, và sau dịch bệnh, để giảm thiểu thiệt hại, quan trọng hơn là vượt khó, thể hiện được vai trò của mình, duy trì được hình ảnh xe buýt thân thiện, tiện lợi, an toàn với người dân”.
Xe buýt hoạt động tại điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lãnh đạo Transerco cho biết, vấn đề trước mắt là phải bổ sung đầy đủ nguồn nhân lực, liên tục đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lao động, nhằm duy trì chất lượng phục vụ, qua đó bảo đảm chất lượng dịch vụ cho xe buýt.
“Song hành với khôi phục sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã bắt tay ngay vào triển khai tiếp công tác rà soát, mở mới các tuyến buýt, nhằm tối ưu hóa mạng lưới cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân” - vị này cho biết. Transerco cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành mạng lưới xe buýt.
Ngoài ứng dụng Timbuyt đã được triển khai từ nhiều năm qua, Transerco đang phối hợp với các ngân hàng và đơn vị liên quan, nghiên cứu mở rộng phương thức thanh toán điện tử để tăng tiện ích cho hành khách. Việc biến xe buýt thành phương tiện VTHKCC “thông minh” vừa là xu thế, vừa là lợi thế lớn để phát triển bền vững trong hiện tại và cả tương lai.
Hiện, nhiều DN đang kinh doanh, khai thác dịch vụ xe buýt cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền T.Ư và TP hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hậu Covid-19, nhằm ổn định kinh doanh, sớm lấy lại đà phát triển.
Ví dụ như việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng không gian hoạt động độc lập cho xe buýt trên đường phố. Vấn đề lớn nhất cần giải quyết hiện nay là gia tăng giá trị cho các dịch vụ của xe buýt. Muốn làm được như vậy, cần cho xe buýt các điều kiện tối đa như làn đường riêng, ứng dụng công nghệ thông tin… để trở nên tiện lợi, nhằm kéo hành khách trở lại.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội có thể xem xét hỗ trợ về tài chính cho các DN vận hành xe buýt, dù chỉ là các khoản vay tạm thời với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để giúp DN trang trải, ổn định thu nhập cho người lao động. Thiếu hụt lao động có chất lượng có thể đang khiến chất lượng dịch vụ của xe buýt suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi thương hiệu, hình ảnh của loại hình VTHKCC chính yếu này.

Thực tế là để xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, tiện lợi đối với người dân, xe buýt Hà Nội đã phải mất nhiều thập kỷ, với vô vàn nỗ lực, cố gắng. Trải qua một đợt dịch bệnh chỉ trong vài tháng, hình ảnh xe buýt đã không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực; và lại phải cần rất nhiều thời gian, công sức nữa mới khôi phục được.


"Suy thoái thương hiệu mới là điều đáng lo nhất đối với các DN xe buýt. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người dân phải tránh sử dụng phương tiện VTHKCC để giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng đồng thời họ sẽ hình thành nhận thức, trong các bối cảnh tương tự, không nên sử dụng xe buýt." - Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng