Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem xét đề xuất đưa Bóng cười vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để quản lý

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu thường xuyên sử dụng Bóng cười có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12. Bản chất chính là có biểu hiện ngộ độc cấp tính.

Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn nạn mua bán, sử dụng Bóng cười tràn lan như hiện nay, trước các ý kiến rằng lực lượng chức năng chỉ phạt hành chính thì chưa đủ răn đe mà cần có chế tài thật mạnh để xử lý, Bộ Công an cho biết: Hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng Bóng cười và các chất hướng thần mới ở trong nước. Đồng thời tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này. Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, hiện nay chưa có quốc gia nào đưa Bóng cười vào Danh mục chất ma túy.
Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.
Theo các chuyên gia, nếu thường xuyên sử dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12. Bản chất chính là có biểu hiện ngộ độc cấp tính nhưng một lát sau lại tỉnh. Đáng chú ý, qua khám sàng lọc và xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân nhập viện do sử dụng Bóng cười còn có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống. Các bệnh nhân dường như phần lớn là nữ.
Khi một người sử dụng bóng cười trong tình trạng như vậy rất dễ bị vướng vào các vấn đề phức tạp tiếp theo, như bị trộm cắp, nữ giới bị lạm dụng, ngã hoặc gây tai nạn nếu đang lái xe mà vừa lái xe vừa hít bóng cười. Nhiều người chủ quan cho rằng sử dụng sẽ không bị "nghiện".
Bộ Công an thông tin thêm, N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.
Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, như:
"Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực...".
Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ. Mặc dù N2O không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất nhưng trước tình hình giới trẻ sử dụng Bóng cười gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng (nhất là sử dụng đồng thời với ma túy tổng hợp, chất hướng thần), Bộ Công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý.