Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%
Báo cáo đánh giá, năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017. Trong đó đáng chú ý: tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đều giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ nguy hiểm của phạm tội cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
Đáng lưu ý, các tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng việc Quốc hội thảo luận một số dự án luật, đã tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của cơ quan Nhà nước. Tiếp tục phát hiện khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, ngay từ đầu năm, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Chỉ thị công tác, xác định 4 mục tiêu và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành; chỉ đạo thực hiện nghiêm những quy định mới của pháp luật, nhất là những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm...
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, trong năm qua, trách nhiệm công tố của ngành Kiểm sát được tăng cường; chất lượng hoạt động điều tra, truy tố án hình sự tiếp tục được nâng lên; các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo...
Kết quả, số vụ án được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân. Theo đó, vai trò, trách nhiệm công tố của VKSND được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp cũng tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Thông qua kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã ban hành hơn 14.000 kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng 2,5%. Số kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính tăng 2,3%, tỷ lệ được chấp nhận vượt 15,2% so với chỉ tiêu Quốc hội; số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 16,2%. Tỷ lệ kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp được chấp nhận vượt 19,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, VKSNDTC đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành 02 thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp; xây dựng 02 quy trình về giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chủ động đối thoại với công dân, giúp công tác giải quyết đơn có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 90,5%; đã hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp; thông qua trực tiếp đối thoại, đã giải quyết dứt điểm nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài của công dân. Chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bảo đảm; đã giải quyết hơn 9.300 đơn, đạt 43,2% (đạt tỷ lệ 66,3% trên tổng số việc Viện kiểm sát có hồ sơ để giải quyết), qua đó ban hành 399 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 8,7%.
Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ trong ngành còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2018, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác của ngành Kiểm sát trong năm qua vẫn còn một số hạn chế, còn để xảy ra một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự, sau phải trả tự do; một số trường hợp đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn cao; còn để xảy ra một số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội (tuy nhiên Viện kiểm sát đã kháng nghị theo hướng có tội và đã được Tòa án chấp nhận 50%, số còn lại đang xem xét); số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa giải quyết còn nhiều, tỷ lệ giải quyết chưa đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.
Những hạn chế này chủ yếu là do năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên của ngành còn hạn chế; việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Viện trưởng VKSNDTC ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chưa nghiêm; một số quy định mới của pháp luật chậm được hướng dẫn thi hành; nhiều nhiệm vụ được tăng thêm theo quy định của pháp luật nhưng Viện kiểm sát các cấp còn thiếu biên chế, chưa đủ cán bộ có chức danh tư pháp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; quan hệ phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Trong năm 2019, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội; tập trung thực hiện tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Báo cáo số 158/BC-VKSTC ngày 08/10/2018. Tăng cường chỉ đạo phát hiện khởi tố, điều tra, truy tố các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp để răn đe giáo dục chung, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh như Quốc hội yêu cầu. Chủ động phối hợp các ngành chức năng rà soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại. Đồng thời, tăng cường kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, khắc phục các vi phạm về thời hạn, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài…
Để có điều kiện làm tốt hơn những nhiệm vụ được giao trong năm tới, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự và các nghị quyết của Quốc hội. Đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp; tạo cơ chế pháp luật mạnh hơn trong thu hồi tài sản cho Nhà nước thông qua các biện pháp tố tụng đặc biệt; Tiếp tục quan tâm chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung một số dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho ngành Kiểm sát giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm việc triển khai các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp bổ sung vốn đầu tư theo Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.