- Sở GD&ĐT Hà Nội luôn chỉ đạo đổi mới hình thức thi, nội dung thi, cách thức thi. Quan điểm chung là phải căn cứ vào học lực, bên cạnh đó có thể xét thêm chỉ số IQ, EQ… Việc này Bộ GD&ĐT cũng đang nghiên cứu.
Giờ học ngữ văn của học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Với những yếu tố khách quan như trên, liệu yêu cầu không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 có phù hợp không, thưa ông?
- Trong quy chế tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu không tổ chức thi tuyển vì bậc THCS mang tính phổ cập. Mỗi phường, xã đều có một trường THCS, đảm bảo 100% học sinh có chỗ học. Yêu cầu không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ là phù hợp, nhưng hiện nay, chúng ta đang có một số trường chất lượng cao, không tuyển học sinh theo tuyến, số lượng học sinh đăng ký lớn, số được tuyển ít, không đủ chỉ số xét tuyển thì phải sử dụng phương pháp thi tuyển. Tùy thuộc điều kiện từng trường, trường nào tổ chức xét tuyển được thì không thi tuyển. Trường nào có đặc thù, không xét tuyển được thì buộc phải trình UBND TP xin ý kiến về phương pháp tuyển sinh.
Với một số trường tổ chức kiểm tra chất lượng đầu vào để xếp lớp. Những học sinh cùng trình độ, cùng năng lực học chung lớp, liệu có hợp lý không thưa ông?
- Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT là với các trường THCS, THPT thì không được tổ chức thi để xếp lớp. Đối với lớp đầu cấp, khi học sinh nhập học, sẽ phát đơn cho học sinh đăng ký để xếp lớp theo nhu cầu. Nếu nhu cầu quá lớn, trường không đáp ứng được sẽ xét đến các tiêu chí khác chứ không tổ chức bất cứ kỳ thi nào.
Còn việc những học sinh cùng trình độ, cùng năng lực học chung lớp, đây không phải là thi mà là kiểm tra chất lượng để xếp lớp với những học sinh có học lực đồng đều. Theo tôi, chúng ta nên dựa vào học bạ để xếp lớp cho phù hợp vì bất cứ việc tổ chức thi cử, kiểm tra nào đó cũng có thể là nguyên nhân phát sinh tiêu cực.
Xin cảm ơn ông!