Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa đi mặc cảm cho người khuyết tật

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gặp anh Lê Việt Cường trong ngôi nhà được chất đầy nguyên liệu và sản phẩm thú nhồi bông. Anh chia sẻ, năm nay Công ty CP Kym Việt có thêm sản phẩm mới là tranh vải nên khá nhiều việc làm cho người lkhuyết tật. Anh Cường đã tạo việc làm cho thêm một số người khuyết tật.

Vượt lên khó khăn

Hơn 1 tuổi anh Cường bị sốt và gần như bại liệt đôi chân. Bước đi tập tễnh khó nhọc tưởng chừng không vượt lên hoà nhập với cuộc sống. Nhưng trời phú cho lòng nghị lực, anh cố gắng theo đuổi ước muốn làm một việc gì đó để nuôi sống bản thân và khỏi làm gánh nặng cho gia đình, xóa đi mặc cảm của người khuyết tật trong cộng đồng.

 Các công nhân của Kym Việt tập trung làm con giống. Tất cả đều là những người khuyết tật.
 
Tốt nghiệp cao đẳng tin học, tháng 12 năm 1998 anh Cường kiếm được việc làm tại 1 doanh nghiệp với mức lương khá cao mà nhiều người mơ ước có được. Dù vậy, nhưng vì tình yêu với những người cùng cảnh ngộ, anh Cường đã cùng với 2 người nữa chung vốn thành lập Công ty CP Kym Việt.

Chỉ có 90 triệu đồng, anh Cường sáng lập Công ty mong muốn giúp những người khuyết tật có việc làm, xoá đi mặc cảm của họ và định kiến của xã hội.
 
 Anh Lê Việt Cường đang hướng dẫn công việc cho người khuyết tật.
Lúc đầu thành lập công ty có 3 lao động làm việc. Khó nhất đối với người khuyết tật là ý thức kỷ luật lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm. Bởi vì, chưa có trung tâm đào tạo việc làm cho người khuyết tật. Thành lập Công ty, Kym Việt vừa phải đào tạo việt làm để người khuyết tật biết làm việc và kỹ năng sản xuất ra sản phẩm có chất lượng. Vấn đề về giao tiếp và sức khoẻ cũng là một rào cản của lãnh đạo Công ty với người công nhân, vì trong Kym Việt không chỉ tuyển dụng người câm, thiểu năng trí tuệ mà còn có cả những người điếc. Trước kia, Kym Việt có người phiên dịch, bây giờ dùng điện thoại hoặc viết lên bảng khi yêu cầu họ làm việc gì đó. Khó khăn nhất là truyền đạt cho người lao động nhận biết màu sắc và kỹ năng thao tác, mỗi người phải học 8 tháng - 1 năm mới làm được.
 Mặc dù là người khuyết tật nhưng họ đều có tay nghề cao, làm ra những sản phẩm tinh xảo.
 
Xuất phát từ việc làm cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Cường xác định xây dựng mô hình tạo việc làm cho người khuyết tật một cách bền vững. Việc làm cho người khuyết tật quan trọng nhất là phục hồi chức năng. Tuy nhiên, để xây dựng việc làm bền vững phải có sản phẩm tốt và có sự chung tay của cộng đồng và ủng hộ các cấp ngành.

Mục tiêu rõ ràng, song cách làm lúc đầu chưa hợp lý. Cả 3 nhà sáng lập Công ty đều mải làm việc ở bên ngoài. Anh Cường cho biết, lúc đó nghĩ đơn giản rằng, thành lập và giao cho 1 người quản lý Công ty là được. Lúc đó không có đầu ra, sản phẩm chủ yếu tham gia vào một số hội chợ.

Sau 2 năm thành lập, Kym Việt tưởng chừng đứng trên bờ vực phá sản. Bởi sản phẩm làm ra tốt nhưng không bán được, không có thị trường. Nhiều người thấy sản phẩm đẹp, nhưng đắt quá họ không mua. Chính anh đã phải bỏ tiền riêng ra trả công cho người lao động. Sau đó, 3 người sáng lập Công ty đã phải ngồi lại và anh Cường đã nhận trách nhiệm quay về tập trung dành thời gian cho Kym Việt.

Đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế

Ngay khi chấn chỉnh lại hoạt động của DN, anh Cường đã lên kế hoạch phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Anh xác định, đã là DN thì phải làm ra sản phẩm và sản phẩm đó phải cạnh tranh được trên thị trường.
 Để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu, Kym Việt đã tự thiết kế mẫu mã. Anh Nguyễn Viết Hoài cũng là người khuyết tật, chịu trách nhiệm thiết kế.
 Các mẫu sau thiết kế được cắt và may tại xưởng.
 
Anh Cường cho biết: Để đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất, nguyên vật liệu đầu vào kiểm định khắt khe. Bộ phận KCS sản phẩm luôn kiểm tra kỹ không để sản phẩm lỗi ra thị trường. Điều này, tránh tình trạng hiện nay những sản phẩm của người khuyết tật, tổ chức yếu thế trong xã hội làm ra luôn có lỗi và được nhiều người mua với tinh thần ủng hộ. Nếu đã mua vì sự ủng hộ thì nó không còn tạo ra sự cạnh tranh bền vững cho sản phẩm.

Đối với người lao động, Công ty luôn giáo dục cho họ hiểu rằng: Người khuyết tật nhưng sản phẩm phải tốt, có như vậy thì mới xoá đi rào cản mặc cảm của mình trong xã hội và xoá đi định kiến của xã hội về mình. Hầu hết các lao động vào làm việc, Công ty đều dạy việc làm cho đến khi biết làm. Vừa khó giao tiếp, người khuyết tật còn chậm nhận biết được màu, kỹ năng và kỹ thuật cũng không thể nhanh nhạy như người bình thường do đó phải dạy từ 8 tháng đến hơn 1 năm. Có một số người thiểu năng trí tuệ không thể tham gia vào hoạt động máy móc hoặc kỹ thuật cao thì bố trí cho họ làm việc đơn giản như dán tem, bóc bông.
 Những người có tay nghề cao được hoàn thiện sản phẩm cuối cùng để không có lỗi.
 
Tất cả các thành viên đều phấn đấu nỗ lực đưa ra sản phẩm tốt nhất có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời với đó là tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm vào thị trường. Lúc đầu chưa biết đưa sản phẩm vào đâu để mọi người biết đến Kym Việt, anh Cường đã tìm đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sản phẩm làm bằng tay chất lượng tốt, nhưng giá cao so với sản phầm cùng loại, do đó ít người mua. Khi đi giới thiệu sản phẩm anh Cường giới thiệu cả những câu chuyện của người khuyết tật đằng sau đó, nhờ vậy rất nhiều người đã quan tâm tìm mua sản phẩm của Kym Việt.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó phòng Nội vụ quận Hà Đông nhận định: Năm 2018 chúng tôi đã đề nghị quận khen thưởng gương người tốt việc tốt đối với anh Cường. Tôi cho rằng, anh Cường là một tấm gương điển hình cho nghị lực vượt khó. Anh không chỉ vượt lên hoàn cảnh của mình mà còn biết vị cộng đồng, cũng giúp cho quận trong việc hỗ trợ việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Hoài, người chuyên thiết kế các mẫu sản phẩm cho Công ty chia sẻ: Cùng với sự nỗ lực của mình và được UBND quận Hà Đông hỗ trợ tiền thuê nhà, phối hợp với Sở Công thương và 2 quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ bố trí cho 2 gian hàng trên phố đi bộ trên bờ hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn. Nhờ đó, chỉ sau hơn 1 năm anh Cường và chúng tôi đã vực lại Công ty. Năm 2016, Công ty Kym Việt đã đứng vững trên thị trường và làm có lãi và hỗ trợ cho người khuyết tật Ninh Thuận 32 xe lăn tương đương 100 triệu đồng.

Sản phẩm Kym Việt đã được xuất bán đi nước ngoài. Nhiều người đặt hàng tiêu thụ trong nước làm quà tặng vào những dịp tết thiếu nhi, trung thu … Đến nay, sản phẩm Kym Việt nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng nước ngoài qua các gian hàng trên phố đi bộ. Nhờ đó, nhiều khách hàng đã xuất khẩu sản phẩm của Kym Việt ra thị trường quốc tế. Công ty được Bộ Lao động TBXH tặng Bằng khen năm 2017. Công ty đạt giải Nhì và khuyến khích của UBND TP Hà Nội về mẫu thiết kế sản phẩm.

Điều quan trọng nhất, anh Cường với thương hiệu Kym Việt đã khẳng định được vị trí trong xã hội cho người khuyết tật. Mặc dù bị câm, điếc, thiểu năng vận động, trí tuệ, nhưng họ vẫn làm ra những sản phẩm cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế.

Chị Lê Thị Thuỳ Linh nhân viên Công ty cho biết: Một số người hơi mặc cảm lúc đầu, nhưng sau đó hoà nhập, gắn bó trong công việc. Vừa để chứng tỏ mình có năng lực và có khoản tiền trang trải trong cuộc sống.
 Những người có tay nghề chưa cao có thể đính tem nhãn cho sản phẩm.
 Sản phẩm của Kym Việt hoàn thiện không chỉ đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và đảm bảo an toàn cho người sử dụng vì các nguyên liệu đều mua tại các DN sản xuất trong nước đã được kiểm định chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: Chúng tôi đều là người khuyết tật nên đến đây chúng tôi đều yêu thương nhau như 1 gia đình. Đây là môi trường làm việc rất tốt tạo điều kiện cho người khuyết tật có công ăn việc làm, khẳng định mình với mọi người xung quanh. Tôi là người khuyết tật vận động, nhiều bạn khuyết tật câm điếc, nhưng làm việc với nhau lâu chúng tôi rất hiểu nhau trong công việc, cùng chia sẻ và cảm thông với nhau.

Hiện tại, Kym Việt tạo việc làm cho 28 lao động khuyết tật. Kế hoạch của anh Cường cũng như các thành viên sáng lập Công ty đang tiếp tục mở lớp đào tạo cho người khuyết tật làm tranh vải. Thu hút các lao động khuyết tật vào làm việc với mục tiêu đến 2025 sẽ có 60 người làm việc.

Anh Cường mong muốn Dự án phát triển tranh vải thành công và xây dựng mô hình trải nghiệm cùng người khuyết tật. Anh cho biết, chính sách cho DN tạo việc làm cho người khuyết tật còn nhiều bất cập, như: Người khuyết tật đã được bảo trợ về đóng BHYT, nhưng Công ty vẫn phải đóng, như vậy 1 người phải mất 2 lần đóng BHYT. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ sát thực tế đối với DN tạo việc làm cho người khuyết tật như cho thuê mặt bằng, chính sách thuế, việc thông quan xuất khẩu và xét nghiệm sản phẩm đều phải mất chi phí như những DN bình thường. Nếu những vướng mắc này được giải quyết thì sẽ có nhiều người khuyết tật được xoá đi mặc cảm của bản thân với xã hội.