Robot (người máy) là một loại máy móc ngành công nghiệp tự động hóa, được sử dụng thay thế con người thực hiện những công việc quá bẩn hoặc quá nguy hiểm. Công nghệ robot phát triển mạnh tại Mỹ và Nhật Bản.
Sự ra đời và phát triển của robot
Năm 1948, Norbert Wiener - nhà toán học và triết học người Mỹ đã xây dựng các nguyên tắc của điều khiển học, là nền tảng của robot thực tế ngày nay.
Và đến nửa sau của thế kỷ XX, robot đầu tiên được vận hành và lập trình kỹ thuật số. Unimate - robot công nghiệp đầu tiên hoạt động trên dây chuyền lắp ráp của General Motors tại New Jersey, Mỹ vào năm 1961. Unimate được phát minh bởi George Devol vào những năm 1950.
Năm 1900, Mỹ phát minh lại Robot Unimate được dùng trong kỹ nghệ. Sau Mỹ là các nước Anh - 1967, Thụy Điển và Nhật Bản năm 1968, CHLB Đức - 1971 và Pháp 1972, Ý năm 1973,...
Sinh viên Thái Lan đang thử nghiệm hệ thống robot tích hợp với điện thoại thông minh giúp đội ngũ y, bác sĩ sàng lọc và theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nguồn: EPA-EFE |
Robot mô hình “mắt tay” ra đời năm 1967 tại Đại học Tổng hợp Stanford (Mỹ) có khả năng nhận biết và điều hướng bằng các cảm biến.
Năm 1974, Công ty Cincinnaty (Mỹ) ra đời loại robot điều khiển bằng máy vi tính, gọi là robot T3 (The Tomorow Tool).
Cho đến nay, đã có rất nhiều robot được chế tạo để ứng dụng trong các ngành công nghiệp đặc thù như: Bộ đôi thám hiểm sao Hỏa Pathfinder và Sojourner của NASA - mang trọng trách thám hiểm sao hỏa; hay BigDog và Spot là robot có 4 chân với khả năng giữ thăng bằng và di chuyển nhanh trên những địa hình không bằng phẳng; hay Robot Sophia có thể đi lại và nói chuyện như một con người...
Đáng chú ý là robot công nghiệp - một cơ cấu máy có thể lập trình làm việc tự động và các tay máy có thể hợp tác với nhau, không cần đến sự trợ giúp của con người. Chúng được dùng trong một số công việc quá bẩn, nguy hiểm hoặc buồn tẻ không phù hợp với con người. Robot được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, lắp ráp, đóng gói, khai thác, vận chuyển, thăm dò trái đất và vũ trụ, phẫu thuật, vũ khí, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, an toàn và sản xuất hàng loạt hàng tiêu dùng và công nghiệp.
Robot trong phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh
Khi dịch Covid-19 lan rộng, robot không còn bị coi là “kẻ cướp việc làm” nữa mà nó chính là một trợ thủ đắc lực giúp con người giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Robot giao hàng: Dịch vụ robot giao hàng của Công ty Starship Technologies đã có mặt tại hàng chục TP trên thế giới như Washington, Arizona, California và một số TP khác tại Anh,... nhằm phục vụ người tiêu dùng ở nhà tránh dịch, giảm thiểu lây nhiễm cho cả khách hàng và nhân viên giao hàng. Robot tự vận hành với thiết kế 6 bánh xe, vận tốc di chuyển khoảng 6km/h, có thể vận chuyển tối đa 3 túi hàng cùng lúc, nó tự điều chỉnh hướng di chuyển trên đường phố.
Robot Starship đi vào hoạt động chính thức kể từ đầu tháng 4 này tại cửa hàng rượu Broad Branch, khi cửa hàng ở một góc phố ngoại ô thủ đô Washington của Mỹ này buộc phải đóng cửa do diện tích quá nhỏ, không đủ điều kiện bảo đảm quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Robot giúp giảm thiểu lây nhiễm tại bệnh viện: Không chỉ các nước có công nghệ robot phát triển như Mỹ, Nhật sử dụng robot trong việc kiểm soát dịch Covid-19, mà các nước như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Israel, Australia, Liban... cũng đang tận dụng robot để giảm thiểu lây nhiễm cho đội ngũ y, bác sĩ.
Một nhóm chuyên gia Liban đã sáng chế 2 robot nhằm hỗ trợ quá trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho các y, bác sĩ. Các robot này gồm một Robot giúp đưa các ống chứa mẫu bệnh phẩm từ phòng cấp cứu đến phòng xét nghiệm và robot còn lại được thiết kế để chứa 20 lít dung dịch sát khuẩn giúp khử trùng phòng cấp cứu.
Tại Hàn Quốc, robot được sử dụng để đo nhiệt độ và phân phối nước khử trùng tay. Hay tại Thái Lan, robot giúp sàng lọc bệnh nhân thông qua robot đo nhiệt độ cùng một chiếc điện thông minh.
Ngoài ra, việc sử dụng các robot như UVD Robots giúp khử trùng và làm sạch bệnh viện, văn phòng, siêu thị,... mang lại sự an toàn cho cả người lao động và khách hàng.
Dùng robot chống Covid-19 tại Việt Nam
Robot Vibot chuyển thức ăn, thuốc men: Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) đã chế tạo thành công robot thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế trong phục vụ, chăm sóc bệnh nhân và người nghi nhiễm Covid-19.
Robot Vibot, phiên bản 1a (Vibot 1a), có thể tự động chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… vào các buồng bệnh; chuyển rác thải, đồ giặt... từ buồng bệnh ra ngoài. Điểm đặc biệt của Vibot-1a là thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao. Nhờ đó, robot hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế với người bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo và mỗi robot có thể thay thế được 3 - 5 nhân viên y tế.
Hiện Robot này đã được lắp đặt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nếu dịch bùng phát.
Robot NaRoVid lau sàn khử khuẩn: Robot này được Viện Ứng dụng Công nghệ nghiên cứu phát triển trong hai tuần. Ngày 15/4, robot có tên NaRoVid1 đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Nhờ được gắn các cảm biến, NaRoVid1 có thể tự động di chuyển, tránh mọi vật cản trên đường đi. Với thiết kế đặc biệt, nó cũng có thể dễ dàng đi vào dưới giường bệnh, đi vào mọi ngóc ngách của phòng bệnh để vệ sinh và khử khuẩn sạch sẽ. Ngoài ra, NaRoVid1 cũng có tính năng di chuyển theo chu trình do người vận hành thiết lập linh hoạt, tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình.
PGS.TS Mai Anh Tuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, NaRoVid1 có thể chứa tối đa 10 lít dung dịch khử khuẩn trong một lần hoạt động và làm việc liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, nó có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly. Đây là một tính năng mới, bảo đảm đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Ngoài 2 robot tiêu biểu trên, còn có nhiều phát minh khác nhằm hỗ trợ các nhân viên y tế trong phòng chống Covid-19 như: Robot phục vụ bệnh nhân cách ly của đại học Bách khoa Đà Nẵng; Robot vận chuyển của bác sĩ chuyên khoa I Lê Ngọc Lâm (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc - Đồng Tháp).
Xét về quy mô toàn cầu, đại dịch Covid-19 chưa thể khống chế, biện pháp hạn chế tiếp xúc gần giữa người với người ở nhiều nơi vẫn là điều cần thiết, và robot chính là “trợ thủ" đắc lực của con người. Điều đáng nói, Việt Nam cũng là nước chú ý sử dụng robot để giúp sức chiến đấu chống lại dịch bệnh này.
Xét về quy mô toàn cầu, đại dịch Covid-19 chưa thể khống chế, biện pháp hạn chế tiếp xúc gần giữa người với người ở nhiều nơi vẫn là điều cần thiết, và robot chính là “trợ thủ" đắc lực của con người. Điều đáng nói, Việt Nam cũng là nước chú ý sử dụng robot để giúp sức chiến đấu chống lại dịch bệnh này. |