Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Du lịch một mình - đi để sống trọn vẹn hơn

Nguyễn Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2006, cuốn hồi ký của Elizabeth Gilbert “Eat, Pray, Love” (Ăn, cầu nguyện và yêu) đã được xuất bản và năm 2010, bộ phim chuyển thể ra mắt, với sự tham gia của Julia Roberts. Bộ phim và câu chuyện đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới thông qua hình ảnh một người phụ nữ đột ngột bỏ lại cuộc sống bận rộn thường ngày và… du lịch một mình.

Một bộ phim với mô típ khá lạ, không quá kịch tính nhưng đã thu hút hàng triệu phụ nữ trên thế giới dõi theo hành trình của nhân vật chính.
Và một thập kỷ sau, vào năm 2020, tinh thần đó vẫn còn lan tỏa và trở thành xu hướng thúc đẩy rất nhiều “tín đồ du lịch” bắt đầu hành trình của họ. Ý tưởng rằng bạn có thể bỏ lại cuộc sống của mình, dành thời gian với những suy nghĩ của riêng bạn và làm quen với chính mình một lần thật sự rất hấp dẫn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ai sẽ đi một mình?
Xu hướng du lịch một mình hay du lịch cá nhân, thực tế là một hoạt động khá phổ biến đối với giới trẻ nước ngoài. Vào năm 2006, khi tôi tham gia một tour tham quan Vịnh Hạ Long đã gặp một bạn nữ người Mỹ gốc Việt tầm hơn 20 tuổi. Bạn kể Việt Nam là nước thứ ba, sau Campuchia và Lào, trong chuyến đi một mình của bạn. Tôi lúc đó cảm thấy bản thân mình là người Việt Nam, đi trong nước mình, nói ngôn ngữ của mình mà còn chưa có được suy nghĩ tự do phóng khoáng như một bạn gái không hề nói được tiếng Việt đó.
Theo Klook (Hồng Kông), số lượng khách du lịch một mình đã tăng từ 31% (năm 2017) lên 38% (năm 2018) ở châu Âu và châu Á. Báo cáo Solo Traveller 2018 của Mintel & Just You chỉ ra rằng, du lịch một mình là xu hướng năng động, mang đến cơ hội trải nghiệm độc đáo cho cộng đồng người đi du lịch.
Theo kết quả điều tra xã hội học Outbox Consulting và Traveloka Việt Nam phối hợp thực hiện (1.047 người Việt Nam tham gia), 19,8% người Việt lựa chọn đi du lịch một mình, 43% số người cho biết họ đã và sẽ tiếp tục tham gia du lịch một mình, 33% cho biết họ có dự định đi một mình trong năm tới.
Người Việt Nam đi du lịch một mình phần lớn là thế hệ trẻ (Millennials - từ 21 đến 34 tuổi), điều đáng bất ngờ là tỷ lệ có giới tính nữ áp đảo nam giới với tỷ lệ 60,4%; trong đó 33,8%, có trình độ học vấn cao và có thu nhập ổn định. 52,3% số người tốt nghiệp đại học và làm việc toàn thời gian, nghề nghiệp chính của họ là nhân viên văn phòng. 15,5% tốt nghiệp đại học và làm việc tự do. 13,1% còn lại là kinh doanh tự do và 10% là sinh viên.
Nhiều tiềm năng trong tương lai
Theo đánh giá chung, du lịch một mình sẽ là một xu hướng có mức độ phát triển vượt trội và sẽ nằm trong top 5 xu hướng giúp hồi phục và thúc đẩy ngành du lịch hậu covid với các lý do sau:
Thói quen “giãn cách xã hội”: Một trong những hệ quả của dịch bệnh trong năm 2020 là chúng ta bắt đầu có thói quen bớt tụ tập đông đúc, hạn chế đến những nơi đông người để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thử làm những điều mới mẻ khi còn trẻ: Motto của giới trẻ “YOLO” hay You Only Live Once (tạm dịch: Bạn chỉ có một lần để sống) là động lực thúc đẩy người trẻ mong muốn trải nghiệm nhiều hơn, bước ra khỏi vùng an toàn để sống hết mình.
Khao khát sống trọn mỗi ngày hay sự hồi phục do tổn thương trong cơn đại dịch: Rõ ràng sau mấy tháng vừa qua, mặc dù Việt Nam chưa rơi vào tình huống số ca nhiễm bệnh tăng cực kỳ cao như các nước khác nhưng ít nhiều, dư chấn của cơn đại dịch đang diễn ra vẫn khá nặng nề trong lòng đại đa số chúng ta. Cảm giác lo lắng sức khỏe kèm theo nỗi lo sợ nhiễm bệnh, bất an về kinh tế nhấn chìm cảm xúc và làm chúng ta khao khát được “sống trọn vẹn mỗi ngày trôi qua”, mong muốn tận hưởng nhiều hơn, mong muốn được sống đầy hơn.
Một mình thì đi đâu?
TP Hồ Chí Minh được coi là điểm đến hàng đầu cho loại hình này, nằm trong top 10 điểm đến du lịch hàng đầu cho khách du lịch một mình ở châu Á (theo Agoda năm 2018). Trang Wanderlust (Anh) đánh giá hành trình khám phá Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh là một trong 9 trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch một mình.
Cách gọi “du lịch” có thể làm một số bạn cho rằng phải có một chuyến đi xa nên ít nhiều có sự chần chừ, ít nhiều sự bất tiện vì khó thu xếp công việc, khó thu xếp chi phí. Do đó, chúng tôi sẽ giới thiệu 3 mô hình từ ít thời gian đến dài ngày hơn:
Một buổi sáng cuối tuần: Khái niệm du lịch một mình chủ yếu nói đến “sự trải nghiệm cá nhân” của chính bạn, do đó, chỉ cần bạn dành vài tiếng vào một buổi sáng cuối tuần để đi hết một vòng lộ trình đi và về của một tuyến xe buýt, city tour bằng xe điện, tham quan bằng xe 2 tầng, đi xe lửa hai chiều đến ga gần nhất và về lại ga trung tâm TP… Bạn có thể tham gia các chuyến đi bằng xe buýt hay xe điện ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Hai ngày cuối tuần: Địa điểm phổ biến, quen thuộc: Đà Lạt, Phan Thiết, Hội An, Tam Đảo, Đồng bằng Sông Cửu Long, Mộc Châu…; địa điểm mới: Phú Yên, Côn Đảo, Ninh Bình…
Hành trình dài ngày (một tuần trở lên): Khi bạn có nhiều thời gian để trải nghiệm, hãy thử một số hành trình mà chúng tôi đã thực hiện (thông tin mang tính tham khảo, bạn cần cân nhắc tùy theo nhu cầu và kế hoạch của bạn): Khám phá các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bằng xe máy; đi xuyên miền Trung bằng xe lửa; lắng nghe nhịp thở cao nguyên tại Đà Lạt; chinh phục Đông Bắc bằng xe máy; sống chậm ở Côn Đảo; trải nghiệm cuộc sống Lý Sơn; trải nghiệm văn hóa bản sắc Hội An…
Tốt nhất là đi trong lúc này
Đây là thời điểm Việt Nam đang thực hiện các biện pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Chương trình kích cầu du lịch triển khai gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 15/5 đến ngày 15/7, giai đoạn 2 từ ngày 15/7 đến hết năm 2020 với phạm vi triển khai trên cả nước theo nguyên tắc bảo đảm an toàn cho khách du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ và giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho khách du lịch. Trang web về xu hướng du lịch Globetrender trích dẫn du lịch không tiền mặt là một trong những xu hướng lớn nhất cho năm 2020, và với những người du lịch một mình lo ngại về sự an toàn.
Một số TP du lịch đã triển khai hình thức Thẻ du lịch. Ví dụ như thẻ du lịch mà Huế chuẩn bị đưa vào sử dụng, du khách sẽ yên tâm về tính tiện dụng. Khách còn được khuyến mãi, giảm giá khi sử dụng các dịch vụ trong chuỗi cung ứng được ngành du lịch Huế hình thành sẵn.
Với những yếu tố: Giá rẻ hơn, an toàn hơn, có nhiều tour để lựa chọn sẽ giúp mô hình du lịch một mình phát triển. Nào ai, có sự say mê dịch chuyển và thích… một mình hãy chuẩn bị hành trang để lên đường.

Khái niệm du lịch một mình chủ yếu nói đến “sự trải nghiệm cá nhân” của chính bạn. Do đó, bạn chỉ cần dành vài tiếng vào một buổi sáng cuối tuần để đi hết một vòng lộ trình đi và về của một tuyến xe buýt, city tour bằng xe điện, hay tham quan bằng xe 2 tầng, đi xe lửa hai chiều đến ga gần nhất và về lại ga trung tâm TP… là đã “đi một mình”.