Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý chưa nghiêm, trách nhiệm không rõ ràng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quảng cáo (QC) sai sự thật, nhất là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, những lo ngại về "loạn" băng rôn QC khi dự thảo Luật quy định bỏ cấp giấy phép nội dung này, là những vấn đề được các ĐBQH thảo luận sôi nổi tại Hội trường hôm qua,14/11.

Quản chặt QC liên quan đến sức khỏe

Bàn về nội dung QC hiện nay, nhiều ý kiến tập trung phân tích tác hại của tình trạng QC quá mức, sai sự thật đánh lừa người tiêu dùng và cho rằng Luật phải có chế tài mạnh với hành vi này.

Theo ĐB Điều Huỳnh Sang (Bình Phước), mặc dù Pháp lệnh QC đã cấm QC sai sự thật, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều QC thổi phồng, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Tới đây, Luật nên có quy định xử phạt nghiêm cả doanh nghiệp và cả cơ quan cấp phép và giám sát.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Vũng Tàu) đề nghị có quy định rõ ràng hơn về đối tượng chịu trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật: “Theo dự luật, đối tượng nào cũng chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đến đâu, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng như thế nào, mức độ ra sao lại không rõ”. Theo bà, việc bồi thường thiệt hại, trách nhiệm trước hết thuộc về cá nhân QC. Nhưng, ảnh hưởng của cơ quan phát hành QC như báo, đài rất lớn, nên cần xem xét nâng cao trách nhiệm của cơ quan này. Không những thế, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, những sản phẩm QC sai sự thật đã phát hành trên báo đài, thời lượng đính chính phải bằng thời lượng đã phát sóng hoặc đã đăng trên báo về QC sai sự thật trước đó. Đặc biệt, phải có bồi thường xứng đáng cho người sử dụng sản phẩm.

Ngoài việc chỉ ra nhiều mâu thuẫn của dự thảo, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) còn cho biết, toàn bộ dự thảo chỉ có một dòng duy nhất quy định cấm quảng cáo rượu trên 30 độ, còn rượu dưới 30 độ thì bỏ ngỏ. Vì thế, ĐB Phạm Duy Tiên (Tiền Giang) cho rằng, Bộ Công Thương khuyến khích sản xuất rượu bia, trong khi đó, Nhà nước thu lợi một, người dân thiệt hai, ba. Nếu không quản chặt, lợi nhuận sẽ đổ vào nhà sản xuất, còn người dân thì hại trăm bề.

Sẽ “loạn” băng rôn quảng cáo?

Dự thảo Luật có một quy định mới gây nhiều tranh luận, là bỏ quy định cấp giấy phép QC trên bảng QC, băng rôn. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện QC ngoài trời chỉ phải thông báo nội dung QC đến Sở VHTT&DL trước 7 ngày.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, hình thức QC này đang diễn ra phức tạp và phổ biến. Trong khi đó, điều kiện căn bản nhất để bỏ quy định cấp giấy phép QC ngoài trời là có quy hoạch QC lại chưa đầy đủ. Từ đó, Ủy ban kiến nghị cần phải cụ thể hóa các quy định về hoạt động QC này.

Theo đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), việc bỏ quy định cấp phép QC băng rôn sẽ khó quản lý trong thời điểm hiện nay. Còn đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Vũng Tàu) cho rằng, bỏ cấp phép là một bước tiến của thủ tục hành chính nhưng cần phải cân nhắc, trong thời điểm này là chưa hợp lý. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) dẫn chứng, vừa rồi, chỉ xử lý một doanh nghiệp treo băng rôn sai phạm đã bộc lộ nhiều bất cập. Tới đây, quản thế nào, cấp phép ra sao để tránh tình trạng vi phạm tràn lan là băn khoăn của ông cũng như nhiều đại biểu khác.q

 

Dự thảo Luật Quảng cáo quy định nhà cung cấp dịch vụ thiết bị điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo cho các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá 5 tin nhắn đến một số điện thoại và quá 5 thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận. Nếu vi phạm, mức xử phạt áp dụng từ 15 - 20 triệu đồng.