Cần nhân rộng mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học nhằm góp phần giảm thiểu đốt rơm, rạ ngoại thành Hà Nội. |
Vẫn diễn ra nhỏ lẻ
Báo cáo với Tổ công tác liên ngành TP, hầu hết các huyện, thị xã cho biết, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể nên tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn diễn ra nhỏ lẻ trong vụ thu hoạch lúa Xuân 2020. Qua rà soát, thống kê về lượng rơm rạ sau thu hoạch bị người dân đốt ngay trên ruộng, huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây có khoảng 10%, huyện Phúc Thọ khoảng 20%, huyện Ba Vì 5%...
Từ ngày 11 - 17/6, tổ công tác liên ngành TP Hà Nội bao gồm: Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và Công an TP đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại khoảng 20 quận, huyện, thị xã còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Sở TN&MT đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch như: Kết nối với DN trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón... |
Tại huyện Thanh Oai, 5 năm trở lại đây, hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng có chiều hướng giảm đáng kể do người dân đã được tuyên truyền và chủ động tận dụng rơm rạ, để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Sau vụ thu hoạch lúa Xuân 2020, lượng rơm rạ phát sinh khoảng 35.700 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như làm nguồn thức ăn cho gia súc chiếm 3%; ủ làm phân lót chuồng, phủ gốc cây trồng (10%); xử lý bằng chế phẩm sinh học, trồng nấm (3%); đốt (1%)…
Đối với huyện Ứng Hòa, còn khoảng 11% lượng rơm rạ sau thu hoạch dùng phương pháp đốt. Theo Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa Đỗ Mạnh Hải, trước vụ thu hoạch, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống phát thanh về tác hại của việc đốt rơm rạ, vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, xử lý rơm rạ bằng các biện pháp thân thiện với môi trường. Tại huyện Mỹ Đức, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên vụ Xuân vừa qua hiện tượng đốt rơm rạ trên địa bàn gần như không còn xảy ra.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Tổ công tác liên ngành cho rằng, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không sẵn sàng chi trả phí mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ. Nhiều hộ nông dân tại huyện Thanh Oai chia sẻ, chi phí từ gieo cấy đến thu hoạch lớn nên họ không muốn bỏ thêm tiền mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ.
Cùng với đó, việc thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường cũng là một trong những vướng mắc. Tại nhiều địa phương, không có DN thu mua rơm rạ của người dân để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, nguồn ngân sách huyện hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường; chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc…
UBND các huyện, thị xã kiến nghị UBND TP, Sở TN&MT ban hành quy định về việc cấm đốt rơm rạ và có chế tài cụ thể giao công an cấp xã xử lý các cá nhân, hộ gia đình vi phạm. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, máy gặt đập liên hoàn; giới thiệu đơn vị thu mua để thu mua rơm cho địa phương…