Ông có thể cho biết, mức độ vi phạm của trường hợp này?
- Quy chế của Bộ đã nói rất rõ, giám thị làm không hết trách nhiệm, để TS quay cóp thì hình thức kỷ luật là cảnh cáo, theo đề xuất của thanh tra Sở, 4 giám thị của hai buổi thi tại phòng thi số 35 này sẽ bị xử lý ở mức cao nhất theo đúng quy chế. Các giám thị liên quan tùy theo mức độ, sẽ bị khiển trách, phê bình và phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Không xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi Chiều 13/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có buổi trao đổi với báo chí về vụ việc tại HĐCT trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông). Theo Thứ trưởng, mặc dù thí sinh mắc lỗi, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của giám thị. Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT thống nhất không xử lý thí sinh. Thứ trưởng cho rằng, nếu giám thị làm đúng trách nhiệm của mình, sẽ có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, thí sinh vi phạm quy chế sẽ bị xử lý ngay tại HĐCT; Thứ hai, các em sẽ có ý thức không vi phạm quy chế thi. Sở GD&ĐT Hà Nội đã xử lý các giáo viên vi phạm rất nghiêm túc, ai có trách nhiệm đến đâu đã bị xử lý đến đó. Thủy Trúc |
Trong clip có thể thấy rõ TS trao đổi bài, thậm chí đưa bài cho bạn chép… Nếu chỉ kỷ luật giám thị thì điều này có tạo ra tiền lệ "giơ cao đánh khẽ" với những sai phạm của TS?
- Sở GD&ĐT không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với TS trong phòng thi này. Chúng tôi cũng không đặt ra vấn đề thi lại với HĐCT này, vì sự việc chỉ xảy ra trong phạm vi một phòng thi và trong những phút cuối của 2 môn Toán và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ không xử lý với vi phạm của TS. Trong quá trình chấm thi, Hội đồng chấm thi sẽ quan tâm đặc biệt tới các bài thi thuộc HĐCT này. Nếu giám khảo phát hiện bài thi có hiện tượng bất thường như sai giống nhau đồng loạt thì sẽ báo cáo để xử lý theo đúng quy chế.
Theo kiến nghị của Thanh tra Sở GD&ĐT, các giám thị, thanh tra và lãnh đạo HĐCT trường THPT Quang Trung đều chịu mức kỷ luật tương ứng với trách nhiệm của mình. Vậy còn với TS thì sao, thưa ông?
- Đánh giá của đoàn thanh tra, vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi của giám thị đã không làm hết trách nhiệm của mình. Vì vậy, hình thức xử lý kỷ luật được đưa ra ở mức cao nhất theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đối với cán bộ liên quan đến vụ việc. Còn về phía TS, theo quan điểm của Sở, các em không thể vi phạm quy chế nếu giám thị thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Clip tiêu cực thi cử đã được Bộ GD&ĐT chuyển cho Sở từ 4/6, nhưng đến nay mới được Sở công khai. Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng phản ứng chậm trễ đối với việc phản ánh tiêu cực?
- Đúng là Sở đã tiếp nhận thông tin ngay sau khi vụ việc xảy ra, tuy nhiên, việc xác minh phải có quá trình. Chúng tôi phải phối hợp với công an để xác minh tính xác thực của clip, phải qua nhiều cuộc họp đối chất với các cán bộ liên quan để lấy tường trình, kiểm điểm và đưa ra kết luận thanh tra làm cơ sở kiến nghị xử lý kỷ luật.
Vụ việc tiêu cực xảy ra ngay sau ngày đoàn thanh tra của Bộ và Sở về kiểm tra tại HĐCT này. Điều này có phản ánh tình trạng là thanh tra xong, giám thị sẽ "dễ dãi" với TS?
Thông báo toàn ngành kết quả xử lý vi phạm Ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có ý kiến chính thức về vụ việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại HĐCT Trường THPT Quang Trung. Phó Chủ tịch yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo giải quyết, xử lý ngay vi phạm để đảm bảo nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như quy định, quy chế thi tốt nghiệp THPT; Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ, quy trình và xử lý cán bộ, giáo viên vi phạm; xem xét, làm rõ và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, giám thị, thanh tra có liên quan tới vi phạm này. Đồng thời, Phó Chủ tịch yêu cầu thông báo rộng rãi toàn ngành giáo dục kết quả xử lý vi phạm và báo cáo UBND TP trước ngày 20/6. |
- Đây là sự việc đáng tiếc, ngay sau khi các đoàn thanh tra của Bộ và Sở về kiểm tra, một số giám thị ở HĐCT này đã lơ là trách nhiệm khiến tình trạng mất trật tự phòng thi. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rằng: Việc thanh tra là hoàn toàn đột xuất, không báo trước và không có sự sắp đặt, dàn xếp. 20 đoàn thanh tra phụ trách các khu vực cộng với 5 đoàn thanh tra lưu động đều thực hiện đầy đủ nghiệp vụ thanh tra.
Nhưng theo phản ánh của nhiều giám thị tham gia coi thi, họ phải chịu nhiều áp lực từ tập quán địa phương, từ tâm lý muốn con mình đỗ tốt nghiệp bằng mọi cách. Nếu không giải quyết được gốc vấn đề thì vẫn còn những sự việc tương tự?
- Đã nhận trách nhiệm tham gia coi thi, thì giám thị phải làm tròn trách nhiệm được giao. Nếu người lớn làm không hết trách nhiệm thì hậu quả với con em mình sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.
Sở GD&ĐT đã nghĩ đến cơ chế đặc biệt kiểm soát các phòng thi trong những kỳ thi quan trọng tương tự?
- Theo tôi, công việc nào có được sự tham gia giám sát của xã hội cũng sẽ tốt hơn. Việc Bộ GD&ĐT cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi cũng là để khuyến khích sự giám sát của xã hội, để góp phần giảm thiểu tiêu cực. Còn đối với việc lắp camera trong từng phòng thi thì với điều kiện hiện nay, ngành giáo dục khó có thể triển khai. Hà Nội có 3.214 phòng thi, kinh phí để trang bị camera từng phòng thi sẽ rất lớn. Biện pháp nâng cao trách nhiệm cán bộ làm công tác thi và ý thức tham gia kỳ thi theo đúng quy chế của TS và nếu có điều kiện thì hỗ trợ giám sát, phản ánh thông tin tiêu cực trong quá trình diễn ra thi cử vẫn là những cách thức để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc.
Xin cảm ơn ông!