Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý thế nào nghi phạm vụ bé trai 5 tuổi tử vong trong nhà hoang?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan vụ bé trai 5 tuổi tử vong trong nhà hoang, luật sư nhận định, nghi phạm đang ở lứa tuổi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên phải đối mặt với hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự.

Công an đang tạm giữ Đào Ngọc Hoàng (17 tuổi, học sinh lớp 11), là đối tượng bị cho là có liên quan đến cái chết của bé H.T.V.Đ. tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ kết quả trích xuất camera an ninh, công an xác định Hoàng là người cuối cùng tiếp xúc với bé trai H.T.V.Đ. Hoàng đã thừa nhận và dẫn cơ quan chức năng lên khu vực giấu bé Đ. Lúc đó nạn nhân đã tử vong.

Nam sinh khai do nghiện trò chơi điện tử nên đã giấu bé trai 5 tuổi với ý định sau đó đưa bé về như "người hùng". Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tìm kiếm, nam sinh sợ nên không dám đưa bé về, dẫn đến sự việc đau lòng. Kết quả khám nghiệm tử thi nạn nhân ban đầu cho thấy bé Đ. không có dấu hiệu bị sát hại, không có vết thương trên cơ thể. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ.

Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ cái chất của bé Đ. 

Liên quan vụ việc bé trai 5 tuổi tử vong, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

Theo lời khai của nghi phạm đã thừa nhận việc bắt cóc cháu Đ. rồi giấu vào trong rừng giống như nội dung một trò chơi điện tử. Hoàng sau đó sẽ đóng vai đi tìm kiếm và đưa cháu về như một cách lập công cho gia đình để nhận thưởng. Nghi phạm đã dùng vũ lực trói 2 tay, 2 chân và bịt miệng kín cháu bé bằng băng keo rồi bỏ mặc đi về. Hậu quả cháu bé bị tử vong rất thương tâm do bịt đường hô hấp.

Xét hành vi của nghi phạm là nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp. Nghi phạm nhận thức được hành vi trói chân tay, bịt miệng cháu bé có thể gây nguy hại đến tính mạng. Mặc dù nghi phạm không có mong muốn tước đoạt tính mạng cháu và coi đó là một trò chơi và để mặc cho cháu một mình trong ngôi nhà hoang vắng dẫn tới hậu quả bị tử vong thì phải đối mặt về tội Giết người với tình tiết định khung giết người dưới 16 tuổi được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Theo thông tin, nghi phạm khi thực hiện hành vi phạm tội đang là học sinh lớp 11 thì cần thiết phải xem xét đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Nghi phạm đang ở lứa tuổi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên phải đối mặt với hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự.

Về nguyên tắc, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vụ án xảy ra cũng là hồi chuông cảnh báo về việc buông lỏng quản lý giáo dục các cháu học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên và đặc biệt là việc để các cháu nghiện chơi game trên mạng xã hội sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường do sự biến đổi tâm sinh lý các cháu.

Điu 123. Ti giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.