70 năm giải phóng Thủ đô

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Tăng chế tài để răn đe

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tại các công trình nhà ở riêng lẻ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Cắt dỡ công trình xây dựng sai phép tại 8B Lê Trực. Ảnh: Lê Quân
Nhiều hệ lụy
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay ở một số địa phương, tại các khu vực đô thị, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm phổ biến là xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, quá tải về hạ tầng, không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng. “Việc gia tăng mật độ dân số tại các khu vực này sẽ gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương,” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát TTXD đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở. Cùng với việc phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về TTXD trên địa bàn.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị cho biết, tình trạng vi phạm TTXD nói chung tại các đô thị là do có sự bao che, làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ giữa năm 2019 đến nay đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo chính quyền cơ sở bị kỷ luật, cách chức do để xảy ra vi phạm TTXD. “Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 Luật này đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh tương đối đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Tôi cho rằng cần phải rõ hơn nữa trách nhiệm cũng như chế tài xử lý đối với người đứng đầu chính quyền cơ sở để xảy ra vi phạm” – ông Thanh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Cao Ngãi – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý TTXD là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác phải phối hợp với Thanh tra xây dựng xử lý vi phạm TTXD, thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền…“Việc xử phạt hành chính chưa có sức răn đe; kỷ luật cá nhân là cán bộ, lãnh đạo chính quyền cơ sở đã làm cho công tác quản lý TTXD tốt lên. Nhưng cần đưa thêm cả chế tài hình sự để xử lý thì mới ngăn chặn được tình trạng này” – ông Ngãi cho hay.