Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Tách ra từ tỉnh Minh Hải năm 1997, năm 1999 thị xã Cà Mau được nâng lên thành phố với bao khó khăn thách thức. Những năm đầu thành lập, TP Cà Mau có cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, vẫn còn mang dáng vẻ của một thị xã nghèo của một tỉnh lỵ xa nhất cả nước.
Sau 25 năm mọi thứ đã khác, TP Cà Mau đã nhanh chóng khẳng định vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo của tỉnh và là 1 trong 4 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (DDBSCL), với vai trò trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau, là trung tâm năng lượng dịch vụ dầu khí quốc gia, dịch vụ sinh thái, chế biến và chợ đầu mối thuỷ sản của vùng.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg, công nhận TP Cà Mau là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Cà Mau, đến nay, TP Cà Mau đã tiếp cận các tiêu chuẩn của đô thị loại I. Theo đó, đã đạt 76,96/100 điểm so với 5 tiêu chí quy định, cần phấn đấu đạt tối thiểu thêm 12 tiêu chuẩn để đạt tiêu chí đô thị loại I.
Chính vì vậy, TP Cà Mau đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2023, thành phố đã triển khai thực hiện 20 đồ án quy hoạch, để đến năm 2025 phủ kín quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt 100% và quy hoạch trung tâm của 5 xã.
Đáng chú ý, năm 2023, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng nhất là các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Thành phố đã thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 1 chỉ tiêu gần đạt (tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 97,33%).
Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo đạt 142,86%, chỉ còn 0,21% hộ nghèo; tổng lượt khách du lịch đến TP Cà Mau hơn 1,6 triệu lượt, đạt 133,84% chỉ tiêu. Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân, nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận cao.
Nỗ lực để “cất cánh”
Để đạt được những dấu ấn trở thành đô thị loại I, TP Cà Mau còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, ngay trong năm 2024, thành phố cần huy động tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 13.677 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 1.089 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước thành phố đạt 530 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách thành phố đạt 994,420 tỷ đồng (chi đầu tư phát triển 136,238 tỷ đồng).
Tổng sản lượng lương thực đạt 29 ngàn tấn (diện tích canh tác lúa 2.980 ha). Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 22.500 tấn (diện tích nuôi thuỷ sản 12.701 ha). Tổng đàn heo khoảng 15 ngàn con, đàn gia cầm khoảng 230 ngàn con. Trồng mới 2.500 m2 cây xanh.
Huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường 99,75%. Dạy nghề cho 3 ngàn lao động, giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16%.
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Bùi Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau cho biết: “Trong những năm tới, đặc biệt trong năm 2024, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy TP Cà Mau ngày càng phát triển hơn. Nhanh chóng xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị, tài nguyên, môi trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Qua đó, sớm thúc đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí để TP Cà Mau sớm trở thành đô thị loại I.”