Theo nhận định của các đại biểu, cơ hội mở rộng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cho các doanh nghiệp còn rất lớn bởi nhu cầu hiện nay của thế giới ngày càng tăng cao. Mặt hàng gỗ Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng với kim ngạch hàng năm lên đến hơn 2 tỷ USD, chiếm khoảng 30% trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam…
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20% mỗi năm, cơ hội ngành gỗ mở rộng xuất khẩu là rất lớn khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương.Theo ông Quyền, trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương như TPP có lộ trình cam kết giảm thuế nhưng bản thân ngành gỗ Việt Nam từ 2006 đến nay thuế xuất khẩu bằng 0, thuế nhập khẩu nguyên liệu bằng 0. Điều này có tác động tích cực đến xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách cho ngành gỗ hiện rất thông thoáng đã tạo điều kiện để DN xuất khẩu hoạt động thuận lợi, góp phần cho mở rộng xuất khẩu.Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,8% tổng giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (18%), Anh (12,4%), Trung Quốc (11,3%) và Australia (9%). Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ đạt 7,3 tỷ USD.