Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu ngành hàng gỗ trong cơn bĩ cực

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, xuất hiện rào cản mới của thị trường EU...

Khó khăn bủa vây

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong 5 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng như gỗ dán, ván sợi, ván bóc, dăm gỗ, viên nén còn tăng trưởng dương.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang trong cảnh đói đơn hàng. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang trong cảnh đói đơn hàng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do các DN đều trong cảnh khan hiếm đơn hàng, thậm chí nhiều DN không có đơn hàng xuất khẩu nên dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt tương đương năm 2022.

Đáng chú ý, thị trường EU chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu DN gỗ Việt Nam xuất sang thị trường này là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ. Mặc dù EU là thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính hơn khi thiết lập các tiêu chuẩn xanh, trong đó có quy định cấm nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ phá rừng.

Quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) là muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, DN các nước có trách nhiệm hơn nhằm góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng. Các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lưu ý, với quy định mới này sẽ khiến các DN xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Đặc biệt là DN phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà DN sử dụng.

Một “nút thắt” nữa đối với các DN chế biến, xuất khẩu gỗ là đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng DN trong ngành chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Các DN hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.

Cần chính sách trợ lực

Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng, DN gỗ Việt sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường gỗ toàn cầu phục hồi.

 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho DN, đảm bảo dòng tài chính để kí kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều DN có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

Để trợ lực cho DN ngành gỗ lúc này, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đề nghị, các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.

“Đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương hỗ trợ DN ngành gỗ trong việc tìm hiểu thông tin thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách của Chính phủ về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu” - ông Đỗ Xuân Lập cho hay.

Đề cập về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương tiến hành đối thoại công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống xuất khẩu gặp khó khăn. Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới phát sinh, nhất là xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu.

Với giải pháp trước mắt, điều quan trọng nhất đối với các DN là duy trì dòng tiền. Ngoài các phương án thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, DN cần được hỗ trợ nhiều mặt về chính sách. Cùng với đó, Nhà nước nên khẩn trương có các thông tư hướng dẫn, thi hành các Nghị định hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn. Hiện, các văn bản mặc dù đã ban hành nhưng không có thông tư hướng dẫn về giải ngân, vay vốn nên việc thực thi bị chậm trễ.