Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu Việt Nam năm 2020: Cạnh tranh khốc liệt

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) 2019 tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng bước sang năm 2020, các chuyên gia kinh tế dự báo XK của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do những xung đột thương mại và phòng vệ thương mại của các nước.

Liên tục 4 năm xuất siêu
Theo Bộ Công Thương, dự kiến tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam sẽ đạt mốc 500 tỷ USD. Theo đó, tính đến giữa tháng 12, kim ngạch XK đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đáp ứng chỉ tiêu tăng 7 - 8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6%. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu 11 tỷ USD giá trị hàng hóa, đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
“Nếu như năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 400 tỷ USD thì chỉ đúng sau 2 năm, Việt Nam đã đạt mốc 500 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng và rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm 2019” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Trong cơ cấu hàng hóa XK năm 2019 có đến 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, như: Dệt may, điện tử, điện thoại và linh kiện, đồ gỗ... Riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 48,7 tỷ USD và chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không những thế, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch XK khẩu trên 1 tỷ USD đã mở rộng sang những mặt hàng nông sản, thủy sản...
Đặc biệt, tỷ trọng XK của khối DN Việt Nam đang duy trì mức mức độ tăng trưởng lên đến 17,7%, trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,2%. Con số này đã cho thấy công tác cổ phần hóa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả.
Đóng góp vào kết quả xuất nhập khẩu chung cả nước, TP Hà Nội là một trong số các địa phương có tốc độ tăng trưởng XK ấn tượng khi kim ngạch XK năm 2019 của Hà Nội ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,8% (cùng kỳ tăng 18,83%), đồng thời mở rộng được thị trường XK sang châu Phi.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng chia sẻ, trong 4 tháng gần đây, Hà Nội liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng XK 10% trở lên, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng XK do UBND TP giao thực hiện chỉ yêu cầu tăng 7,5 - 8%. Để đạt được thành công này, trong năm 2019 ngành đã chú trọng đa dạng hóa mặt hàng XK, không quá tập trung vào các mặt hàng chủ lực truyền thống nên tạo ra sự chủ động hơn trước biến động của thị trường XK.
“Năm 2019, TP và DN Hà Nội đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới đạt tiêu chí xuất trong đó có nhiều ngành mới như sản xuất điện thoại V-smart, đây là một trong những nhân tố khiến kim ngạch XK Hà Nội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019” - ông Thăng nêu ví dụ.
Các mặt hàng xuất khẩu sẽ phải cạnh tranh khốc liệt
Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong năm vừa qua, nhưng nhận định về hoạt động XK năm 2020 các chuyên gia kinh tế đều có chung nhìn nhận năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức đến từ tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại sẽ còn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. “Bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận.
Phân tích rõ hơn về những ảnh hưởng này, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, nhiều tổ chức như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc.
Chưa kể, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam, trong đó XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu giảm. Ngoài ra, XK các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Từ thực tế hoạt động XK năm 2019 cho thấy, bước sang năm 2020 nhiều mặt hàng XK chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như: XK điện thoại các loại, đây là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Chưa kể đến việc EU chưa bỏ “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản, đồng thời XK hàng hóa nông sản, thủy sản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi nhu cầu tiêu thụ lại có chiều hướng giảm, kéo theo đó là giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm.
Mặc dù hoạt động XK năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng theo các chuyên gia kinh tế DN Việt Nam vẫn có thể tăng kim ngạch XK thông qua việc tận dụng những lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết qua đó hóa giải một số khó khăn trong quá trình XK hàng hóa.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong năm 2020, sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường XK và tăng hiệu quả khi thuế suất giảm dần về 0%. “EVFTA chắc chắn là cú hích lớn cho hoạt động XK, trong đó cơ hội chủ yếu đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh, như dệt may, da giày, nông sản nhiệt đới... Dự báo, kim ngạch XK vào EU có thể tăng tới 20% trong thời gian tới”- ông Phòng dự báo.
Bên cạnh việc tận dụng những lợi ích mà các FTA mang lại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện yêu cầu đối với hàng nông sản XK ngày càng cao nên chính bản thân các DN, đặc biệt là các DN XK nông sản cần nỗ lực đầu tư cho công nghệ chế biến, thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm qua đó mở rộng quy mô xuất khẩu.

"Nhiều yếu tố thuận lợi với XK khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Hàng hóa XK của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Trong đó, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải


Năm 2020 còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn mở của thị trưởng và bảo hộ mậu dịch của các nước. Xung đột thương mại giữa các nước lớn mặc dù có những tín hiệu cho thấy đã hạ nhiệt, nhưng còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên những xung đột thương mại và phòng vệ thương mại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. 

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh