Tại sự kiện, bà Nancy Hollander đã có dịp gặp lại Trưởng phái đoàn phụ nữ miền Nam Việt Nam tham gia cuộc gặp mặt 54 năm về trước là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Cuộc gặp gỡ sau 54 nămTrước khi diễn ra buổi lễ tiếp nhận hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy Hollander cùng anh trai của mình có mặt từ sớm để chờ đợi sự xuất hiện của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Trong lúc đó, bên trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những hiện vật quý do bà Nancy Hollander gìn giữ hơn 54 năm đã được sắp xếp ngay ngắn. Vài phút sau, bà Nguyễn Thị Bình xuất hiện. Gặp gỡ nhau, cử chỉ đầu tiên họ dành cho nhau là những cái bắt tay, cái ôm đầy tình cảm. Bên cạnh nhau gần như trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, hai người phụ nữ ân cần hỏi thăm nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm cũ.
Đây là lần đầu tiên bà Nancy Hollander công bố và trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn bảo tàng lưu giữ những tài liệu quý giá này và giới thiệu rộng rãi tới công chúng thông qua các triển lãm, hoạt động giáo dục, truyền thông. |
Trong số tài liệu, hiện vật do Nancy Hollander mang sang Việt Nam, hiện vật đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình cầm lên xem là Bản Tuyên bố chung có chữ ký của 8 đại diện phái đoàn Phụ nữ Việt Nam và 10 đại diện phái đoàn Phụ nữ Mỹ tại cuộc gặp ở Indonesia. Lật từng trang tư liệu đã ố vàng vì thời gian, bà Nancy Hollander ghé vào tai nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Đây là chữ ký của bà”. “Đây đúng là chữ ký của tôi, cảm ơn bà vì đã lưu lại tài liệu quý này và mang đến Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Bình xúc động đáp lại.
Ngoài Bản tuyên bố chung kể trên, bà Nancy Hollander còn mang sang hơn 450 tư liệu khác gồm thư, báo cáo, sổ, sách, báo, tạp chí… ghi lại dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa phụ nữ Mỹ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (miền Bắc) và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Những tài liệu phản ánh rõ nét quan điểm, tiếng nói chung của phụ nữ hai quốc gia về chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, đồng thời nêu bật vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nỗ lực ngoại giao, đàm phán vì hòa bình, độc lập tự do.
Câu chuyện từ những hiện vậtTừ những tư liệu của bà Nancy Hollander trao tặng, nhiều thông tin quan trọng đã được giới thiệu tới công chúng Việt Nam. Cuộc gặp 54 về trước tại Jakarta, Indonesia là cuộc gặp ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ thông qua nước thứ ba, được thực hiện bởi những người phụ nữ. Tại cuộc gặp, thành viên từ mỗi nhóm đã báo cáo tình hình quê nhà và đưa ra diễn biến cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Qua đó, phụ nữ Mỹ đã hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, sự chia cắt đất nước và tình hình chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã giải thích những rào cản gặp phải khi cố gắng thuyết phục Chính phủ Mỹ kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Đồng thời từ nghiên cứu những văn bản và nguồn tài liệu được cung cấp bởi nhóm phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Mỹ đã có thêm luận cứ để cùng đấu tranh vì hòa bình.
Trong bản Tuyên bố chung giữa phụ nữ hai quốc gia có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi phụ nữ Mỹ hãy đứng lên để ngăn chặn cuộc chiến ở Việt Nam. Hiệp định Geneva cần phải được thực thi ngay lập tức… Là những người phụ nữ, chúng ta không thể ngơi nghỉ cho đến khi tất cả trẻ em Việt Nam và trẻ em Mỹ có thể tự do lớn lên trong nền hòa bình và an toàn”.
Tại cuộc trao tặng hiện vật, trao đổi với phóng viên, bà Nancy Hollander cho biết: “Tôi mong muốn rằng những hiện vật này đến với bảo tàng để tất cả khách đến tham quan có thể hiểu được phụ nữ Việt Nam đã trải qua những giai đoạn như thế nào, phụ nữ hai nước đã có đóng góp như thế nào làm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Khi gặp nhau lần đầu tiên, chúng tôi đã nói với nhau trong hòa bình và bây giờ cúng tôi đã làm được điều đó”.