Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung đột Nga-Ukraine, “bóng ma” lạm phát tiếp tục đe dọa kinh tế châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu đang đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng khi lạm phát tiếp tục lập mức cao  kỷ lục trong nhiều thập kỷ, trong khi đó cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

IMF cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến suy thoái sâu hơn trên toàn châu lục. Ảnh: AP
IMF cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến suy thoái sâu hơn trên toàn châu lục. Ảnh: AP

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng triển vọng kinh tế châu Âu đang trở nên u ám hơn rất nhiều, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong một báo cáo công bố ngày 23/10, IMF cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến "suy thoái sâu sắc hơn" trên toàn châu lục, tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn khu vực và khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ gây ra căng thẳng xã hội.

Theo dự báo của IMF, Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), và Italia sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, qua đó trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. IMF nhấn mạnh trong khi châu Âu đã nỗ lực thoát khỏi đại dịch Covid-19 từ cuối năm ngoái, nhưng chiến sự tại Ukraine đã "thay đổi hoàn toàn bức tranh này".

IMF cho rằng tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ chậm lại rõ rệt xuống mức 0,6% vào năm 2023. Trong khi đó, ở các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, không bao gồm các nước liên quan xung đột và Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7% bình quân, trong khi thiệt hại ở các nước xung đột sẽ rất lớn. Báo cáo của IMF nêu rõ: “Nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu hiện tại là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa Đông lạnh giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc hơn”.

IMF dự báo tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài và căng thẳng xã hội có thể trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt gia tăng. Theo đó, trong tình hình hiện tại, các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất chính sách, đặc biệt là tại các nền kinh tế tiên tiến. Các nhà hoạch định chính sách cần phải "đi đúng hướng" để vừa thành công trong nỗ lực chống lạm phát, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực của IMF về châu Âu được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang vật lộn với lạm phát leo thang và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, trong khi chi phí sản xuất tăng cao. IMF đánh giá những gói hỗ trợ mới mà các chính phủ đưa ra chỉ hạn chế được phần nào những căng thẳng này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài suốt 8 tháng qua đã đẩy lạm phát và giá năng lượng tại châu Âu tăng chóng mặt. Giá khí đốt tại châu Âu hiện tăng khoảng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Globaltimes, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có thể khiến tăng trưởng GDP hàng năm của châu Âu giảm khoảng 6%, nghiêm trọng hơn nhiều so với thiệt hại kinh tế của cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 9 gần chạm mức 2 con số  do giá năng lượng tăng cao. Xe ô tô  xếp hàng đổ nhiên liệu tại một trạm xăng gần thủ đô Paris, Pháp, ngày 18/8/2022. Ảnh: Xinhua
Lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 9 gần chạm mức 2 con số  do giá năng lượng tăng cao. Xe ô tô  xếp hàng đổ nhiên liệu tại một trạm xăng gần thủ đô Paris, Pháp, ngày 18/8/2022. Ảnh: Xinhua

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát của 27 nước EU trong tháng 9/2022 nhảy vọt  lên mức 10,9%. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 đã tăng lên mức 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo, nhưng cao hơn nhiều so với mức 9,1% ghi nhận trong tháng 8. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do mức lạm phát phi mã, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% đã buộc phải tăng lãi suất sau  thời gian dài do dự. Trong tháng 9 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 1,25%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Trước sức ép lạm phát ngày càng gia tăng, ECB có thể tiếp tục phải đưa ra các biện pháp đối phó tại cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra vào tuần tới, có thể với một đợt tăng lãi suất mạnh tiếp theo.