Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh thông tin "EVN tự ý sửa hóa đơn điện của khách hàng": Chỉ là tin đồn thất thiệt!

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website. Do vậy, không có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. Hóa đơn là theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày, cũng như tuân thủ theo đúng quy định.

Đó là khẳng định của đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước thông tin “EVN tự sửa hóa đơn điện” đang xuất hiện trên các trang mạng xã hội mới đây.
Không tự ý tăng giá điện
Lý giải sự việc giá điện tăng đúng lúc dịch Covid-19 phức tạp, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện. Mới đây, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ). Trong đó, các DN sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng.
 Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra thông số công tơ điện của khách hàng trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Minh Phương
Cùng với gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, việc hỗ trợ tiền điện này sẽ giúp đỡ phần nào khó khăn cho người dân ngay trong mùa dịch. Tuy nhiên, thời gian qua, một số ý kiến trên các mạng xã hội thắc mắc tháng 4 vừa rồi, hóa đơn điện đã tăng 15%, mà chưa nhận thấy mức giảm giá 10% như trên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện là 3 tháng. Cụ thể, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng của khách hàng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của đơn vị điện lực) sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020; đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp...): thực hiện từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày 16/4/2020. Như vậy, nếu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thì tiền điện sẽ được giảm từ kỳ hóa đơn tháng 5/2020.
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, hiện giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương. Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website. Do vậy, không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. Hóa đơn là theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày, cũng như tuân thủ theo đúng quy định. Nếu có bất cứ thông tin nào nói chỉ số sai, người dân cần thông báo ngay để EVN phúc tra làm rõ.
“Trên mạng xã hội mấy ngày qua đưa lại thông tin năm 2019; trong đó cho rằng EVN đã tự ý sửa hóa đơn tiền điện của khách hàng và gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Thời điểm đó, EVN, Bộ Công Thương, các chuyên gia đã có những lý giải và báo cáo Thủ tướng. EVN bán điện theo biểu giá được Nhà nước quy định” - đại diện EVN khẳng định.
Công khai, minh bạch
Nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ thì tiêu thụ điện tăng từ 2 – 3% tùy từng loại điều hòa sử dụng. Nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Thời tiết càng nóng, càng dùng nhiều điều hòa thì tiền điện càng cao. Theo Trưởng ban kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng, việc khách hàng cho rằng, ngành điện tự điều chỉnh công tơ như trên các mạng xã hội là không đúng. Mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại phải được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng. Hệ thống đo đếm hoàn toàn chuẩn mực.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 07 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tơ từ 5 – 6 năm sẽ phải đi kiểm định lại toàn bộ. Hàng năm, Sở Công Thương các tỉnh đều tổ chức đoàn kiểm tra xác suất, quản lý toàn bộ hệ thống, không có công tơ nào quá hạn.
“Hệ thống đo đếm điện hiện nay được quản lý rất chặt chẽ, không thể tác động can thiệp. Trong trường hợp công tơ nếu bị tác động thì cơ quan quản lý sẽ nắm được ngay vì thường xuyên kiểm tra, có niêm phong, có tem kiểm định” – vị này khẳng định.
Từ 21/2/2019, EVN đã thực hiện cung cấp điện cấp độ 4, người dân ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể tiếp cận các dịch vụ điện trực tuyến, không cần phải đến tận nơi các trung tâm giao dịch, chăm sóc khách hàng để thực hiện các dịch vụ điện.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục có cải cách nhiều hơn, đổi mới nhiều hơn để người dân, khách hàng có dịch vụ điện chất lượng, ngày càng tốt hơn. Đồng thời sẽ tiếp tục tuyên truyền tới khách hàng, để minh bạch và làm rõ hơn các vấn đề dịch vụ điện, hóa đơn và giá điện...” - ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

"Không thể có chuyện EVN tự sửa nội dung các hóa đơn tiền điện. Hiện nay, các đơn vị của EVN vẫn đang thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành về giá điện. Nếu khách hàng có nghi ngờ về chỉ số tiêu thụ điện của công tơ cũng như cách tính tiền điện, có thể liên hệ các trung tâm chăm sóc khách hàng (theo khu vực) của ngành điện đề nghị phúc tra, làm rõ." - Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm