Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) |
- Có thể khẳng định, hầu hết các dự án Condotel đến thời điểm hiện tại đều không có sự bảo lãnh của ngân hàng, mặc dù đây cũng là loại hình bán nhà trên giấy. Người mua Condotel không được bảo lãnh về tài sản mà mình bỏ hàng tỷ đồng ra để mua, khi xảy ra sự cố thì họ cũng không biết dựa vào ai để giải quyết. Đấy là rủi ro thứ nhất.
Thứ hai, ở thời điểm các chủ đầu tư bán nhà trên giấy với mục đích chính là huy động vốn để triển khai dự án, bản thân họ cũng chưa có một hoạch định rõ ràng về kế hoạch kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy khi đi vào vận hành, tỷ lệ lợi nhuận khi vận hành... Vì vậy, những cam kết lợi nhuận là không thực tế. Nhưng vì mục đích phải huy động bằng được nguồn vốn đầu tư, các chủ đầu tư đã nâng cao mức cam kết lợi nhuận và đẩy những rủi ro cho khách hàng của mình.
Cùng với đó là những rủi ro liên quan đến pháp lý, mặc dù các chủ đầu tư vẫn biết là chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, nhưng họ vẫn tạo ra những sản phẩm, vẫn lôi cuốn khách hàng của mình thông qua những cam kết lợi nhuận hấp dẫn.
Từ sự cố “vỡ trận” của Cocobay Đà Nẵng, theo ông, thị trường Condotel liệu có rơi vào khủng hoảng?
- Tôi nghĩ là có đấy. Sự cố này mang lại hậu quả rất xấu cho thị trường, người dân sẽ rất dè dặt với Condotel. Sản phẩm dạng này có thể sẽ rơi vào một cơn khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới giờ tại Việt Nam, đối với cả chủ đầu tư và người mua - nhà đầu tư thứ cấp, trong đó người mua là chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Phân tích cả 3 giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra đối với khách hàng của mình, gồm: Thêm tiền để nhận chuyển đổi từ căn hộ Condotel sang căn hộ ở; người mua nhận lại và tự vận hành, đóng phí theo quy định của chủ đầu tư; tiếp tục đồng hành với chủ đầu tư.
Phương án thứ nhất, khó có thể thành hiện thực vì đa phần người đầu tư Condotel không phải là người dân tại địa bàn đó, họ có cuộc sống, công việc ở những nơi khác và mua với mục đích kinh doanh. Ở phương án hai, không phải người mua nào cũng có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác và nguồn khách tiềm năng, nên càng không khả thi; trong khi đó nếu tiếp tục cộng tác với chủ đầu tư thì khách hàng đã mất niềm tin.
Vậy có giải pháp nào để cho Condotel được phát triển một cách lành mạnh, bền vững, thưa ông?
- Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là vấn đề chứng nhận sử dụng đối với dòng sản phẩm này như thế nào, là sản phẩm thương mại - dịch vụ hay sản phẩm nhà ở, nếu làm rõ được vấn đề này thì sẽ tạo ra một lộ trình cho Condotel được bùng nổ.
Dù rơi vào khủng hoảng nhưng theo đánh giá của tôi, Condotel sẽ không dẫn đến sự sụp sổ có hệ thống, mà chỉ ảnh hưởng tạm thời. Đối với những đơn vị vận hành tốt, lợi nhuận phù hợp từ 6 - 8%/năm, vẫn sẽ đảm bảo được cam kết của mình với khách hàng.
Và khi lựa chọn đầu tư dòng sản phẩm này, người mua cần xem xét kỹ năng lực của chủ đầu tư, vấn đề bảo lãnh ngân hàng đối với dự án, khả năng tài chính, kinh nghiệm vận hành từ phía chủ đầu tư...
Xin cảm ơn ông!