Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ý kiến chuyên gia] Thay đổi nhu cầu nghỉ dưỡng

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, một bộ phận lớn người dân có xu hướng thay đổi nhu cầu về các sản phẩm nghỉ dưỡng từ vùng biển sang vùng ven đô thị Hà Nội.

 Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vakaland Đinh Trọng Quỳnh.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vakaland Đinh Trọng Quỳnh.
Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây?
- Du lịch Việt Nam có hai thế mạnh chính là du lịch biển và du lịch tại các vùng cao nguyên, bán sơn địa. Chính phủ đã và đang tập trung nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Giai đoạn từ 2013 – 2017, khi chúng ta khởi đầu chu kỳ, du lịch biển đã chiếm ưu thế, kéo theo đó phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng ven biển phát triển mà sản phẩm tiêu biểu là Condotel.
Khoảng thời gian này, các nhà phát triển BĐS đều tập trung vào khu vực ven biển như Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Khi nguồn cung du lịch biển dư thừa, nhà đầu tư đã xoay chuyển sang các sản phẩm du lịch tại vùng núi. Vì vậy, trong hai năm trở lại đây, xu hướng của người dân đã có chuyển dịch mạnh mẽ trong việc lựa chọn địa điểm du lịch. Thay vì đến các khu vực ven biển, nhiều người đã lựa chọn đến vùng cao nguyên, bán sơn địa, đặc biệt ở các khu vực ven đô Hà Nội để tìm không gian mới.
Hiện nay, kinh tế trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vấn đề này có làm cho sản phẩm BĐS du lịch ven đô mất đi sự hấp dẫn?
- Đúng là dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế, khách du lịch quốc tế bị giảm sút mạnh. Nhìn nhận một cách tổng quan có thể nói, thị trường BĐS nói chung và phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven đô vẫn chịu ảnh hưởng nhưng không vì thế mà mất đi sự hấp dẫn. Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng ven đô, thời điểm triển khai dự án thì các chủ đầu tư đều kỳ vọng khai thác khách nước ngoài. Nhưng trên thực tế, phần lớn lượng khách đến đây lại là nội địa.
Bên cạnh đó, việc di chuyển từ Hà Nội đến các vùng ven đô như Ba Vì, Sóc Sơn hay Mai Châu, Lương Sơn (Hòa Bình)… lại vô cùng thuận tiện, có thể dùng ô tô cá nhân, không mất nhiều thời gian đi lại nên đây được xem là lợi thế để các sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô phát triển.
Ông nhận định thế nào về sự phát triển của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven đô trong thời gian tới?
- Theo tôi, BĐS du lịch nghỉ dưỡng ven đô thị Hà Nội sẽ trở thành xu hướng đầu tư trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Bởi sau một thời gian đi du lịch biển, tâm lý người dân cũng muốn thay đổi không gian và sản phẩm thụ hưởng. Nhưng quan trọng hơn, việc đi nghỉ lại các khu vực ven đô sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Vì người dân có nhu cầu sẽ tranh thủ vào những ngày nghỉ cuối tuần trong cả bốn mùa, chứ không nhất thiết chỉ đi biển vào mùa Hè.
Xin cảm ơn ông!