KTĐT - Quy định mới về thẩm quyền thành lập mới trường đại học sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đảm bảo yêu cầu chặt chẽ hơn trong việc lập trường.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ có nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn khi thành lập trường đại học.
Hôm qua, tại phiên họp giao ban báo chí hàng tuần các tổng biên tập do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Dự thảo Luật sẽ được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại Quốc hội vào ngày 23/10 tới.
Ai quyết định thành lập trường đại học?
Quy định hiện hành: Thủ tướng là người ra quyết định thành lập trường đại học. Nhưng, Dự thảo Luật đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ là người quyết định. Điều này dẫn đến có thông tin lo ngại quy định mới về thẩm quyền quyết định sẽ làm cho việc mở trường đại học trở nên tràn lan.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.
Quy định mới về thẩm quyền thành lập mới trường đại học sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đảm bảo yêu cầu chặt chẽ hơn trong việc lập trường.
Việc chuyển thẩm quyền này là phù hợp với quy định về “phân công, phân cấp quản lý giáo dục” tại Điều 14 và quy định về thẩm quyền "cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” tại Điều 100 của Luật giáo dục.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục cũng nêu rõ: Thủ tướng chỉ quản lý, điều hành vĩ mô.
Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập những trường đại học có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập.
Những trường hợp đặc biệt Thủ tướng quyết định chủ trương thành lập sẽ được quy định cụ thể tại văn bản quy định về điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học do Thủ tướng ban hành.
Phải dựa trên quy hoạch để thành lập
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm, từ 2006 – 2008, có 48 trường đại học được thành lập, trong đó có 24 trường được thành lập mới, còn lại 24 trường được nâng cấp từ trường cao đẳng lên.
Việc thành lập trường, nâng cấp trường đại học đều thực hiện theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học.
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc đánh giá các trường mới thành lập và báo cáo Thủ tướng về việc lập trường. Trong quy trình lập trường đại học, việc thẩm định thành lập không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mà còn có sự tham gia của các Bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố nơi trường đặt trụ sở chính…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu Luật giáo dục một số nước cho thấy thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học được giao cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ví dụ Luật giáo dục đại học Hàn Quốc quy định: bất cứ ai không phải Nhà nước muốn thành lập trường đều phải được Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ cho phép.
Ngày 20/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Sau đó,, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ và ngày 30/10, thảo luận ở hội trường trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Luật vào ngày 25/11.
Điều 14, Luật giáo dục năm 2005: Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.